'Có thể kiện nếu bị thiệt hại vì sự cố chung cư'

Cập nhật 15/09/2007 09:00

Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sĩ Liêm, cho rằng, khi một số căn hộ khu Trung Hòa - Nhân Chính xảy ra sự cố, chủ đầu tư Vinaconex cần phải kiểm tra toàn bộ tòa nhà, kỷ luật nghiêm người thi công ẩu.

 - Là chuyên gia xây dựng, ông nghĩ gì về vụ việc sập vữa trần tại một số căn hộ khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính thời gian qua?


 - Tôi thấy tình trạng này xảy ra nhiều song người ta chỉ quan tâm nếu thiệt hại về người. Nếu không có thiệt hại lớn thì lại im đi, mặc dù đây là vấn đề rất nguy hiểm. Vữa rơi trúng người thì có thể vỡ đầu, gây thương tích nặng.

Tôi đã đến căn hộ của bạn sống ở Trung Hòa Nhân Chính thì thấy họ phàn nàn rằng, nền gạch lát ở ban công cứ dốc vào trong. Khi trời mưa, nước chảy hết vào nhà. Mặc dù không phải nguy hiểm song gây khó chịu cho người ở. Điều này cho thấy, đơn vị xây dựng ở đây thi công không nghiêm túc.

Yêu cầu chung của căn nhà là chất lượng xây dựng là phải vững chắc, dù vật liệu sang trọng mà không đạt được yêu cầu thì không thể nói đạt chất lượng. Một căn hộ rẻ tiền cũng không được thấm nước, bong vữa trần.

 - Hiện mảng trần bị rơi vữa trần của căn hộ 1501, tòa nhà 17T1 đã được trám kín theo cách thông thường, ông nhận xét gì về biện pháp này?

 - Nếu trát vữa bình thường thì trần vẫn có thể lại bị rơi xuống. Đơn vị thi công phải xử lý lại một cách tối ưu để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Nguyên nhân của rơi vữa trần là do sàn bê tông bị cong vênh, đơn vị đổ cốt pha đã không kiểm tra kỹ. Khi trát thì người thi công phải bù vênh. Nếu chỉ trát vữa dày 1cm trở lại thì có thể dính được, nếu dày quá thì lực dính không đủ giữ, làm lớp trát bong ra. Tôi biết có nơi trát dầy tới 3cm thì rất dễ bong.

Do vậy, phương án xử lý, ở những chỗ cong vênh nhiều thì làm trần giả ở dưới bằng gỗ hoặc nhựa. Hoặc nếu ốp trát lại thì phải dùng bê tông phun thật mạnh lên trần, rồi thoa cho phẳng. Cách khác là bắt đinh vào bê tông trần, treo lưới sắt mỏng vào đinh rồi trát vữa vào lưới đó để kết dính.

 - Ông nghĩ sao về trách nhiệm của chủ đầu tư khi để xảy ra hàng loạt các sự cố về chất lượng xây dựng?



Ông Phạm Sĩ Liêm

   - Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng VN (Vinaconex) phải chịu trách nhiệm chính, cần truy lại ai thi công công trình này để xử lý kỷ luật để răn đe, không thể để trôi qua hoặc bao che cho nhau. Nếu không sẽ tiếp tục xảy ra các vụ việc tương tự. Khi đơn vị xây dựng có sai sót thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sản phẩm của mình.

 Khi một căn hộ đã xảy ra sự cố thì chủ đầu tư phải kiểm tra toàn bộ tòa nhà, chứ không chỉ ở một căn hộ. Khi phát hiện hỏng hóc thì phải sửa chữa ngay thay vì đền bù thiệt hại. Tôi biết Vinaconex có uy tín, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, nếu có trục trặc thì phải xin lỗi, kiểm tra, thu hồi hàng hóa.

 Ngoài ra, Sở Xây dựng HN cũng phải vào cuộc, giám định chất lượng, phí tổn do chủ đầu tư chịu. Giám định chất lượng xây dựng khác với các sản phẩm khác. Ở thời điểm xây xong thì giám định kiểu khác, nhưng qua thời gian, nhất là khi xảy ra sự cố thì phải giám định lại.

 - Nhiều hộ liền kề căn hộ bị sập vữa đang hoang mang và nhiều ý kiến tỏ ý bất bình với thái độ của chủ đầu tư. Theo ông, người dân cần phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

 - Người dân cần thường xuyên phát hiện những hiện tượng dễ gây sập vữa trần, như dùng gậy chọc vào trần, nếu kêu bộp bộp thì sắp rơi, phải sửa chữa ngay. Nếu có thiệt hại, người dân có thể đưa vụ việc ra tòa đòi bồi thường. Không chỉ thiệt hại vật chất mà cả thiệt hại tinh thần vì đã gây tâm lý lo lắng cho họ. Nếu cần thiết, chủ đầu tư phải đổi nhà cho họ.

Theo tôi, không thể để từng hộ dân đối diện với chủ đầu tư mà Ban quản trị khu chung cư phải thay mặt người dân, bảo vệ quyền lợi cho người dân trong khu chung cư. Khi cần thiết mời luật sư để đi kiện, khiếu nại, đòi đền bù chứ không thể để từng người dân tự xoay sở.

 - Không chỉ sập vữa trần, tình trạng chung ở nhiều khu đô thị Hà Nội là bị thấm nước, bong gạch, thậm chí khi đã sửa xong hư hỏng lại tái diễn, ông nghĩ sao về thực trạng này ?


 - Những cái đó không nguy hiểm bằng sập vữa trần nhưng rất khó chịu cho người sử dụng. Cái đó còn khó sửa chữa hơn sập vữa trần, song vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, khi chữa không đúng cách và không đủ trách nhiệm thì chắc chắn vẫn hư hỏng. Ngày nay có rất nhiều vật liệu, phương án tối ưu nên dễ xử lý, nhưng người xử lý tồi, làm để che mắt thế gian để xong chuyện thì chắc chắn nhà sẽ tiếp tục có vấn đề..

Theo tôi, gốc của vấn đề này là khâu giám sát không kỹ khi xây dựng nhà chung cư, không có tổng công trình sư để điều hành chung, nên không có phối hợp, dễ gây sự cố sau này.

   

Theo VietNamnet