Gắn kết sân golf với công viên, khu vui chơi giải trí và biến nó trở thành môn thể thao thông dụng sẽ mang lại nhiều lợi ích đô thị.
Bên sông Hàn ở Thành phố Seoul (Hàn Quốc) cách đây 30 năm chỉ xây đường cao tốc. Nhưng nay tại các đô thị mới hai bên con sông này là công viên và sân golf xanh mướt dành cho thể thao, vui chơi cuối tuần.
Dòng sông trở thành không gian mở và không gian cộng đồng cho thành phố Seoul với 10,5 triệu dân sinh sống, là một ví dụ đáng học tập.
Đưa sân golf vào công viên
Chúng ta đang thiếu một bản tổng phổ trong qui hoạch phát triển - Đó là phân vùng chức năng toàn lãnh thổ. Vì vậy, cần đưa sân golf vào qui hoạch sử dụng đất của địa phương. Điều này tránh cho việc lấy quĩ đất nông nghiệp màu mỡ và tận dụng được những khu vực bỏ hoang, hoặc khó khai thác.
Sân golf cũng cần được xác lập trong kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia và địa phương. Chúng cần gắn với nơi giao lưu và thiết lập các quan hệ thân thiện giữa cộng đồng doanh nghiệp, là nơi luyện tập thể thao cho cư dân thành phố. Và đặc biệt hơn khi coi nó là thành phần của công viên tư nhân, vốn xa lạ ở VN nhưng lại thông dụng ở các nước phát triển.
Bởi sân golf có 2 mặt: Tính thị trường và tính xã hội. Chúng ta cần tạo nên những không gian cho cộng đồng sinh hoạt, gắn kết với nhau, bằng cách tạo điều kiện cho công viên tư nhân phát triển, trong đó có sân golf, thậm chí là các sân tập golf và sân nhỏ - vốn không cầu kỳ như sân thi đấu hoặc sân thương mại.
Vấn đề tư nhân đầu tư xây dựng và khai thác công viên rất nên trở thành nội dung xã hội hoá đầu tư hiện nay, để cho thành phố nào cũng có thể có 15-18% quỹ đất là cây xanh thực sự chứ không chỉ trên bản vẽ qui hoạch như hiện nay.
Sân golf – một phần tiêu chuẩn cây xanh đô thị
Sân golf là một loại kiến trúc cảnh quan có diện tích lớn, rất nên được coi như đất công viên cây xanh của đô thị hoặc khu thể thao vui chơi giải trí cuối tuần cho cộng đồng người đô thị - vốn đang bị sống thiếu cây xanh, giao tiếp, thể thao (Tiêu chuẩn là 15-18% đất xây dựng thì VN chỉ đạt 2%). Nó không chỉ phục vụ trực tiếp một cộng đồng ít ỏi những người chơi golf có tiền, mà cảnh quan của nó, không khí trong lành, không gian rộng lớn của nó… cũng mặc nhiên cho cộng đồng dân cư tại chỗ - và dân cư đô thị sống lân cận thụ hưởng (gián tiếp).
Có nghĩa là cư dân bản địa mất đi một diện tích đất, đổi lại họ sẽ nhận được đền bù và việc làm, cũng như nhận được lợi ích thực sự khi họ được lôi kéo vào các hoạt động đô thị có tính dịch vụ thường xuyên.
Về qui hoạch không gian, bản thân quy mô lớn của sân golf là một cản trở cho các kết nối giao thông khu vực dân cư và các chức năng khác. Bởi vậy cần kết hợp mạng lưới đường khu vực với các đường phân khu chức năng trong sân golf, để có thể tạo các đường xuyên qua sân golf tiện lợi cho dân cư quanh vùng.
Hiện nay, chưa một địa phương nào có qui hoạch sân golf gắn với qui hoạch sử dụng đất và qui hoạch kinh tế - xã hội. Không có qui hoạch, sân golf trở thành tiền lệ để quy hoạch sau này phải tuân thủ theo nó. Tình hình này dẫn tới nhiều hệ luỵ xấu, trong đó có sự đánh giá không công bằng về tiện ích của sân golf, thậm chí tẩy chay nó kể cả khi nó đem lại những lợi ích cho cư dân lân cận.
Nếu các công viên, sân golf trên đôi bờ sông Hàn của thành phố Seoul là một ví dụ tốt, thì khi qui hoach xây dựng đô thị hai bờ sông Hồng chẳng hạn, cũng có thể áp dụng. Bằng cách biến các vùng đất vốn lồi lõm hai bờ sông thành các công viên, vui chơi giải trí, thể thao và không gian mở, không gian cộng đồng trong đó có sân golf.
Bởi nếu làm như vậy, chúng ta mới hi vọng có cây xanh trong thành phố Hà Nội, chứ không phải lên tận Sóc Sơn, Ba Vì mới có vườn cây thảm cỏ... (Thạc sĩ Nguyễn Xuân Anh - Đại học AucKland - NewzeLand)
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News