Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Đau đầu việc xác định giá trị đất

Cập nhật 22/08/2008 08:00

Giá trị doanh nghiệp Bến xe Miền Đông được nâng lên gấp 31,4 lần sau khi cộng giá trị quyền sử dụng đất và lợi thế vị trí.

Hôm qua (21-8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về báo cáo giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý đất đai, mua bán cổ phiếu trong thực hiện cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước”.

Không xác định được giá thị trường

Báo cáo giám sát của UBTVQH cho thấy việc định giá tài sản trong quá trình CPH ở một số địa phương, nhất là trước khi có Nghị định 187/2004 chưa sát với thực tế.

Hậu quả là các lợi thế về đất đai, vị trí đắc địa... của DNNN không được đưa vào giá trị DN, nhất là các đơn vị có trụ sở, đất đai ở các thành phố, đô thị lớn.

Phần tài sản nhà nước không được tính đủ này không biết rơi vào tay ai. Nhưng theo ông Đặng Như Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội thì “sau khi CPH, có một thực tế là những người nắm giữ vị trí quản lý trong DN giàu lên”.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, kể từ năm 2008 trở đi, các DN có diện tích đất nằm ở vị trí đắc địa thì phải xác định thêm phần giá trị lợi thế này vào giá trị DN CPH.

“Lợi thế vị trí được xác định bằng chênh lệch giữa giá thị trường và giá do UBND tỉnh quy định hàng năm” - ông Hà cho hay. Tuy nhiên, chính ông Hà cũng thừa nhận rằng phần lớn UBND các tỉnh không thể xác định được giá đất thị trường trong điều kiện bình thường là như thế nào, phần lớn giá đất công bố đều thấp hơn khoảng 30% so với thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì lại chỉ ra một thực tế khác: Có trường hợp định giá quá cao, cộng với các lợi thế khác được tính dẫn tới giá trị DN được xác định vượt xa so với giá thị trường.

Ví dụ như Công ty TNHH một thành viên Bến xe Miền Đông xác định giá trị DN theo Nghị định 187 là 60 tỷ đồng, lợi thế giá trị kinh doanh là chín tỷ đồng nhưng khi xác định lại giá trị DN theo Nghị định 109 là 1.121 tỷ đồng và lợi thế kinh doanh là 1.052 tỷ đồng, gấp 31,4 lần so với mức xác định ban đầu.

Ngay cả việc xác định thế nào là đắc địa thì theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận là rất khó. “Một doanh nghiệp may thì ở giữa TP cũng không khác gì ở bên ngoài TP nhưng mảnh đất ở giữa TP giao cho người ta làm khách sạn thì khác. Vậy nên đắc địa hay không còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng”.

Việc định giá đất kiểu... trời ơi như trên khiến phần lớn các DN không mặn mà với việc nhận “sổ đỏ” mà chọn cách thuê đất hàng năm để không phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN.

Theo báo cáo của Chính phủ thì 85%-90% DN lựa chọn hình thức thuê đất để khỏi bị tăng quy mô vốn nhà nước tại đơn vị CPH. Mặt khác, DN khi thuê đất chỉ phải trả số tiền thuê đất thấp hơn nhiều lần so với nộp tiền sử dụng đất.

“Tư nhân hóa hết cũng chả sao”?

“82% vốn nhà nước trong DN, chủ yếu nằm ở các tập đoàn, tổng công ty vẫn chưa được CPH. Các DN đã CPH đều là những DN bé tí, làm ăn lỗ lã và nhà nước vẫn nắm 50% cổ phần. Người lao động có chăng cũng chỉ nắm giữ tỷ lệ rất nhỏ vốn trong DN, vậy thì có tư nhân hóa hết (số vốn đã CPH mà nhà nước không nắm giữ - PV) cũng chả sao” - ông Đặng Như Lợi phân tích. Ông Lợi cho rằng vấn đề chính là chúng ta không quản được DNNN trước và trong quá trình CPH.

Ông Hiển nói rằng tình trạng người lao động trong DN được mua cổ phần ưu đãi đã bán lúa non và chuyện tư nhân hóa là có thật nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng.

“Người lao động chỉ được mua không quá 100 cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho mỗi năm công tác. Nếu công tác 20 năm, được mua 20 triệu đồng, lợi tức DN bình quân 13% thì chỉ được 2,6 triệu đồng/năm thì thu nhập từ cổ tức của họ không nhiều so với tiền lương. Họ không mặn mà, tập thể người lao động cũng không thực sự có quyền làm chủ khi vốn cổ phần của họ chỉ chiếm từ 11% đối 15% vốn điều lệ” - ông Hiển đánh giá.

Theo các phân tích trên, số cổ phần mà người lao động được mua không “đáng đồng tiền bát gạo” nên tỷ lệ “bán lúa non” trước khi CPH là không nhỏ.

Đây là điều kiện để các “đầu nậu” dễ dàng gom cổ phiếu ưu đãi của người lao động. “Nói không tư nhân hóa cũng chỉ là nói tránh thôi chứ thực chất nó là tư nhân hóa” - chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn nói.

Tính đến 30-6-2008, có 3.786 DN đã được CPH. Tổng số vốn điều lệ khi CPH là 106 ngàn tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 50%, người lao động nắm giữ 11%, nhà đầu tư bên ngoài nắm giữ 39% vốn điều lệ.

Quá trình CPH các DNNN đã thu về khoảng 78 ngàn tỷ đồng cho nhà nước và các DN. Trong đó, phần thu được do chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu so với mệnh giá khoảng 54 ngàn tỷ đồng.

Đến nay vẫn còn 1.720 DN 100% vốn nhà nước với tổng vốn khoảng 410 ngàn tỷ đồng, đa số là những doanh nghiệp lớn, chủ yếu thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước và các DN công ích, an ninh, quốc phòng.


Theo Pháp Luật TP