Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường tại đường Nguyễn Chí Thanh giờ do Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam quản lý
|
Theo khảo sát của phóng viên, mặc dù có trụ sở mới khang trang nhưng các “tổ ấm” cũ của một số Bộ, ngành hiện vẫn chưa được bàn giao lại cho UBND TP.Hà Nội quản lý. Thực tế, nhiều Bộ phận chuyên môn của các Bộ này vẫn hoạt động tại trụ sở cũ, hoặc giao cho các doanh nghiệp trực thuộc làm văn phòng hoạt động. |
Nhiều Bộ, ngành đã được cấp đất và xây mới nhiệm sở nhưng trụ sở cũ với hàng nghìn mét vuông “đất vàng” nằm ở các vị trí đắc địa của Thủ đô Hà Nội vẫn chưa được bàn giao lại cho Nhà nước…
Theo đó, hiện đã có 8/19 Bộ, ngành hoàn thành xây dựng trụ sở mới như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ…
Theo khảo sát của phóng viên, mặc dù có trụ sở mới khang trang nhưng các “tổ ấm” cũ của những đơn vị này vẫn chưa được bàn giao lại cho UBND TP.Hà Nội quản lý. Thực tế, nhiều Bộ phận chuyên môn của các Bộ này vẫn hoạt động tại trụ sở cũ, hoặc giao cho các doanh nghiệp trực thuộc làm văn phòng hoạt động.
Số 83 Nguyễn Chí Thanh - “cơ ngơi” một thời của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện được giao cho Tổng Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam quản lý. Phía mặt đường Nguyễn Chí Thanh, ngay sau khi tiếp nhận, Tổng Công ty này đã nhanh chóng treo biển tên doanh nghiệp.
Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được giao một khu đất rộng 1,3ha tại Khu đô thị mới Cầu Giấy để xây trụ sở mới hết sức bề thế. Kể từ tháng 5/2012, các giao dịch của Bộ này được thực hiện tại tòa nhà mới 18 tầng có tổng mức đầu tư là 372 tỷ đồng.
Trong khi đó, mặc dù cũng đã chuyển về trụ sở mới tại lô D24 Khu đô thị mới Cầu Giấy nhưng hiện tại Bộ Nội vụ vẫn chưa bàn giao lại trụ sở cũ tại số 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Cũng giống hai Bộ nói trên, mặc dù đã “có mới” nhưng Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn không “nới cũ” khi chưa chuyển hết các bộ phận tại nhiệm sở ở số 39 Trần Hưng Đạo, mặc dù cơ ngơi hoành tráng với tòa nhà cao tầng có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng tại mặt đường Trần Duy Hưng được Bộ này đưa vào hoạt động đã khá lâu.
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, sau khi các cơ quan Bộ, ngành di dời khỏi khu vực nội đô thì Hà Nội sẽ dư ra gần 60ha. Trong đó có 3,48ha quỹ đất các cơ quan đã di dời, 16,35ha quỹ đất các cơ quan thuộc diện đề xuất di dời và gần 31ha các cơ quan được xem xét di dời trong giai đoạn sau. Vị trí đất của các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội cũng từng được đề xuất để xây dựng khách sạn khi những đơn vị này chuyển tới nhiệm sở mới.
Điều mà dư luận đặc biệt quan tâm là các khu “đất vàng” của những đơn vị này sau khi được di dời sẽ được quản lý như thế nào, giao cho ai?. Trước đó, phía Bộ Xây dựng cho rằng trụ sở cũ của các Bộ, ngành sẽ được quản lý, sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của thành phố Hà Nội bằng việc khuyến khích chuyển đổi chức năng các trụ sở cũ sang các mục đích công cộng, không gian xanh phục vụ cộng đồng.
Riêng những công trình có giá trị về kiến trúc thì cần được bảo tồn, hạn chế phá dỡ làm mất các giá trị, ưu tiên sử dụng các công trình này cho các mục đích văn hóa. Một số vị trí nằm ở các khu vực có hạ tầng tốt nhưng xa trung tâm thì cho chuyển đổi sang các mục đích thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới.
Để có không gian cho các Bộ, ngành khi chuyển khỏi địa điểm cũ, TP.Hà Nội cũng đã dành gần 100ha đất cho mục đích xây dựng trụ sở mới đối với những cơ quan thuộc diện di dời.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN