Có nhà ở 16m²/người mới có hộ khẩu là không khả thi

Cập nhật 26/04/2014 08:26

Một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn về tính khả thi của đề xuất phải có nhà ở rộng 16m²/người hoặc 17m²/người mới được nhập hộ khẩu thường trú tại TPHCM của Sở Xây dựng.


Thực tế, nhu cầu có hộ khẩu tại TPHCM trở nên cấp thiết với nhiều người nhập cư trong chuyện xin việc, lo học hành cho con cái. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong một công văn gửi các ban, ngành của thành phố, Sở Xây dựng đề xuất diện tích nhà ở bình quân để cá nhân được đăng ký thường trú thuộc trường hợp thuê, mượn, ở nhờ tại TPHCM từ đây đến hết năm 2015 là 16m²/người hoặc 17m²/người.

Mức đề xuất của Sở Xây dựng cao gấp ba lần so với qui định hiện tại là 5 m²/người.

Lý giải từ một đại diện Sở Xây dựng, theo Luật Cư trú sửa đổi, bổ sung được thông qua 2013 có qui định việc đăng ký thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương phải đảm bảo về diện tích ở bình quân theo quy định của HĐND thành phố đó.

Hiện tại diện tích nhà ở bình quân tại TPHCM đạt 16,4m²/người nên sở này mới đề xuất mức diện tích tối thiểu trên.

Tuy nhiên, PGS.TS Võ Văn Sen, đại biểu HĐND TPHCM nhận định đề xuất của Sở Xây dựng không có cơ sở khoa học rõ ràng và không phù hợp với thực tế.

Ông Sen cho rằng nếu đề xuất này thành hiện thực sẽ gây khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực dân số để phát triển kinh tế của thành phố. Theo ông Sen, những người nhập cư đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Cùng quan điểm với ông Sen, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM, cho rằng chúng ta phải ghi nhận và trân trọng sự đóng góp của người dân nhập cư vào sự phát triển của TPHCM. Qui định như vậy là nhằm hạn chế việc di cư vào thành phố, giảm áp lực dân số nhưng chắc chắn là không khả thi vì người dân các tỉnh vẫn đổ về TPHCM sinh sống và làm việc.

“Qui định được nhập hộ khẩu mà ràng buộc vào diện tích nhà ở tối thiểu là không hợp lý. Chúng ta không nên quan trọng hóa các thủ tục nhập hộ khẩu mà nên mở rộng điều kiện để người dân có được hộ khẩu tại TPHCM”, ông Đực nói.

Thực tế, nhu cầu có hộ khẩu tại TPHCM trở nên cấp thiết với nhiều người nhập cư trong chuyện xin việc, lo học hành cho con cái. Chị Nguyễn Thị Quý, làm nghề điều dưỡng, hiện đang ở trọ tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức nhưng lại có hộ khẩu tại nhà người quen trên đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh. Chị Quý cho biết, năm 2012, chị nộp hồ sơ xin việc tại một bệnh viện của TPHCM và nơi này đòi hỏi ứng viên phải có hộ khẩu tại thành phố cho nên sau đó chị tìm mọi cách để được nhập hộ khẩu vào TPHCM.

DiaOcOnline - Theo TBKTSG