Có nên kỳ vọng quá nhiều vào gói tín dụng bất động sản?

Cập nhật 01/10/2014 14:26

Từ đầu năm đến nay, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, nhà đầu tư luôn kỳ vọng ngành bất động sản có thể được “hâm nóng” trở lại. Do đó, khi những số liệu sơ bộ về tình hình bất động sản 9 tháng qua được "hé lộ" trong các diễn đàn kinh tế thời gian gần đây đã khiến nhóm ngành này tiếp tục gây chú ý.

Các chuyên gia không kỳ vọng quá nhiều vào các biện pháp của các cơ quan điều hành để hỗ trợ về dòng tiền cho thị trường bất động sản. Ảnh minh họa.

Theo số liệu mới nhất trong báo cáo kinh tế - xã hội tháng 9 của GSO, giá trị sản xuất xây dựng 9 tháng theo giá so sánh 2010 ước đạt 587,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà ở đạt 206,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.

Đồng thời, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9/2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết đến giữa tháng 9, tín dụng bất động sản đã tăng lên mức 12% từ mức 9,82% trong tháng 7/2014. Mặt khác, gói tín dụng 30.000 tỷ đến nay đã cam kết cho vay được 5.900 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng, tức đã tăng 3,5 lần so với đầu năm và đây là mức tăng đáng ghi nhận. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21/8 của Chính phủ về kéo dài thời hạn vay và mở rộng đối tượng được vay được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng này.

Từ giữa tháng 9, nhóm cổ phiếu bất động sản bắt đầu thu hút được dòng tiền khá tốt sau khi trên thị trường xuất hiện thông tin NHNN đang xây dựng một gói tín dụng mới với điều kiện cho vay dễ dàng hơn so với gói 30.000 tỷ đồng hiện tại. Tuy nhiên, trong phiên chất vấn vừa qua, người đứng đầu ngành ngân hàng đã bác bỏ thông tin trên.

Trên thực tế, các chuyên gia cũng không kỳ vọng quá nhiều vào các biện pháp của các cơ quan điều hành để hỗ trợ về dòng tiền cho thị trường bất động sản. Thay vào đó, điều quan trọng là cần có sự tháo gỡ về chính sách và hoàn thiện về pháp lý để kích thích cả cung và cầu đối với bất động sản. Trong đó, Luật Đất đai 2013 và dự thảo sửa đổi Luật nhà ở và Luật kinh doanh với các đề xuất như mở rộng cho người nước ngoài mua nhà, giảm thủ tục hành chính trong cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, phát triển quỹ đất cho nhà ở xã hội, thế chấp bất động sản hình thành trong tương lai… đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ thị trường. Bên cạnh đó, việc xúc tiến xây dựng hạ tầng kết nối như các tuyến Metro (Hà Nội và TP.HCM), đường vành đai, đường cao tốc… cũng đang góp phần tạo giá trị gia tăng cho các bất động sản tại cửa ngỏ các thành phố lớn theo nguyên tắc “hạ tầng đi đến đâu thì BĐS phát triển đến đó”.

Cũng nhờ những tín hiệu tích cực này mà nhóm cổ phiếu bất động sản đã tăng mạnh với mức tăng 20%, trở thành Á quân tăng điểm trong 3 tháng qua, chỉ sau ngành Du lịch – giải trí, trong đó VIC tăng 19%, NBB (27%), KDH (28%), PDR (26%), DXG (5%)… cũng ghi nhận mức tăng tốt.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN