Cuối năm 2010 và đầu năm 2011, giới đầu tư đã "ăn bẫm" sau đợt "làm giá" đất tại khu vực cầu Nhật Tân đi qua. Những nhà "lướt sóng" phía sau đã phải ngậm ngùi khi "cơn sốt" lắng xuống. Từ đó đến nay, giá đất tại Hải Bối, Ðông Anh đã giảm từ 15 đến 25 triệu/m2, nhưng vẫn ế.
Từ cuối năm 2010, bằng cách "bơm thổi" của giới đầu tư, giá đất thôn Ngọc Chi (xã Vĩnh Ngọc, huyện Ðông Anh) tăng lên gấp ba, thậm chí năm lần. Ðã có thời điểm, giá đất tại đây được đẩy lên 80 đến 90 triệu đồng/m2 ở vị trí mặt đường dẫn lên chân cầu Nhật Tân. Giá đất trong làng, ngõ rộng, chào bán khoảng 60 triệu đồng/m2, ngõ nhỏ hơn 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường bất động sản tại đây đã đóng băng.
Theo khảo sát của chúng tôi, tại một số thôn như Cổ Ðiển, Cổ Dương thuộc xã Hải Bối hay thôn Phương Trạch, Ngọc Chi, Ngọc Giang thuộc xã Vĩnh Ngọc cho thấy, giá những mảnh đất diện tích khoảng 40 đến 70 m2 đường rộng từ 3 đến 4 m đang được chào bán rất nhiều, với mức hơn kém 25 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Thậm chí, một số chủ đất chấp nhận bán thấp hơn so với giá chung từ 2 đến 3 triệu đồng/m2, nhưng cũng không bán được. Trong vai người mua đất, chúng tôi gặp ông Nghĩa, chủ một khu đất trên đường vào UBND xã Hải Bối. Ông Nghĩa cho biết: "Năm 2010, đã có người hỏi mua mảnh đất của tôi với mức giá 45 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, lúc đó do chưa cần tiền cho nên không bán. Giờ cần tiền muốn bán thì không ai mua".
Khoảng một tháng gần đây, đất thôn Phương Trạch, Ngọc Chi thuộc xã Vĩnh Ngọc cũng đã giảm mạnh. Cụ thể đất trong làng hiện chỉ còn khoảng 35 đến 40 triệu đồng/m2. Theo nhận định của một số "cò" đất tại Hải Bối (Ðông Anh), tình trạng ế ẩm của thị trường bất động sản tại đây sẽ chấm dứt vào cuối năm nay. Giá đất tại đây sẽ bắt đầu tăng giá từ cuối năm 2013 và đạt đỉnh không kém đợt "sốt" đất năm 2010 khi cầu Nhật Tân hoàn thành (theo kế hoạch là cuối năm 2014).
Theo quy hoạch, trục Nhật Tân - Nội Bài, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường tỷ lệ 1/500, với phạm vi ranh giới và quy mô nghiên cứu dài khoảng 11,7km, tổng diện tích đất khoảng 2.080 ha (thuộc tám xã và thị trấn của huyện Ðông Anh và ba xã của huyện Sóc Sơn), do Công ty tư vấn P&T (thuộc Tập đoàn BRG Group) thực hiện. Dự kiến tại đây hình thành năm trung tâm là: Trung tâm tài chính ASEAN, trung tâm thương mại ASEAN, trung tâm làng văn hóa ASEAN, trung tâm dịch vụ thương mại phục vụ sân bay; Trung tâm giới thiệu, triển lãm các sản phẩm nông thôn. Các trung tâm, công viên công nghệ cao, những công trình tạo lập điểm nhấn về không gian, khu vực trọng tâm ở Ðông Anh sẽ là mô hình nhà ở đan xen với không gian mặt nước, sinh thái, tiết kiệm năng lượng. Những khu vực dân cư hiện nay sẽ được cải tạo theo hướng sau này sẽ kết hợp với phát triển du lịch.
Theo quy hoạch, đây là khu vực sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới. Bởi theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên đường Nhật Tân đến Nội Bài, Thủ tướng yêu cầu phải quy hoạch tuyến Nhật Tân đến Nội Bài thành trục đô thị hiện đại, tạo điểm nhấn cho Thủ đô do đây là tuyến trục chính, cửa ngõ đối ngoại của Thủ đô.
Ðó là về tầm nhìn dài hạn, còn thực tế, hiện thị trường bất động sản ít được nhà đầu tư quan tâm do xu hướng giảm giá đang tác động khá mạnh vào tâm lý cả người bán và người mua. Với những nhà đầu tư có sẵn nguồn tài chính, chắc không e ngại, nhưng với nhà đầu tư "lướt sóng", e rằng, phải đắn đo khi bài học cơn "sốt" đất tại khu vực này hồi đầu năm 2011 vẫn còn nguyên giá trị.
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân Dân