Có nên đầu tư vào BĐS phía Tây?

Cập nhật 04/10/2010 11:10

Với kỳ vọng bỏ tiền vào một số dự án khu vực phía Tây Hà Nội tại thời điểm này sẽ thu lợi nhuận cao khi quy hoạch chính thức được thông qua, cùng với sự đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, đường sá… Điều này khiến không ít nhà đầu tư BĐS đang dốc hầu bao “không thương tiếc” cho những lô đất trị giá xung quanh các khu vực được cho là đắc địa này.


Hầu hết người dân khi được hỏi đều muốn đầu tư vào BĐS bởi theo họ đây là cách giữ tiền tốt nhất

Nhà đầu tư: Không sợ lỗ

Trong cùng một thời điểm, khi Hà Nội đột ngột thay đổi quan điểm đồng ý xây trục Hồ Tây - Ba Vì thì nhiều tuyến đường khu vực phía Tây của Thủ đô đồng thời được khánh thành và thông xe. Với kỳ vọng bỏ tiền vào một số dự án tại khu vực phía Tây Hà Nội tại thời điểm này sẽ thu lợi nhuận cao, không ít nhà đầu tư BĐS đang dốc hầu bao “không thương tiếc” cho những lô đất trị giá xung quanh các khu vực được cho là đắc địa này. Cũng vì thế mà hai loại sản phẩm được chú ý nhiều nhất là những căn hộ, biệt thự trong dự án đã đủ điều kiện mua bán và đất thổ cư có sổ đỏ. Lý do nhiều khách hàng đưa ra là 2 loại sản phẩm này tương đối an toàn và có thể dễ dàng thế chấp vay tiền.

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết người dân khi được hỏi đều muốn đầu tư vào BĐS trong thời điểm này, nhất là phía Tây Hà Nội bởi theo họ đây là cách giữ tiền tốt nhất khi đồng tiền ngày càng mất giá.

Anh Nghị - Nhân viên công ty FPT là một điển hình. Anh cho biết: “Giá đất đã qua thời kỳ “ngủ đông” và chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới. Có tiền tôi vẫn muốn đầu tư vào đất nhưng chỉ mua ở khu vực gần Đại lộ Thăng Long bởi khu vực này đường đẹp, hơn nữa lại có nhiều dự án. Đầu tư vào đây không bao giờ sợ lỗ và sẽ mang lại lợi nhuận cao”.

Chị Nguyễn Kim Anh - Chủ cửa hàng ôtô Hưng Anh lại cho rằng, ngay khi thông tin Trung tâm hành chính quốc gia không chuyển lên Ba Vì hay chưa biết số phận của trục Hồ Tây - Ba Vì ra sao thì đây là thời điểm tốt để có cơ hội mua nhà giá gốc và được kí hợp đồng trực tiếp với nhà đầu tư, bớt đi khoản chênh lệch cho trung gian.

Chị Kim Anh còn khẳng định: “Các tuyến đường lớn đã được thông và quy hoạch khu vực phía Tây cũng ổn định nên việc đầu tư vào đây sẽ mau chóng sinh lời”.

Các chuyên gia: Vẫn tiềm ẩn rủi ro?

Trái ngược với một bộ phận nhà đầu tư cho rằng, ném tiền vào khu phía Tây lúc này là hợp lý nhất, ông Nguyễn Quốc Hùng - Hội kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, việc quá kỳ vọng vào khu vực phía Tây thành phố, trong khi nhiều dự án còn chưa rõ ràng nên tính mạo hiểm cao và trở thành thất vọng cho nhà đầu tư nếu đồng tiền đó không được đặt đúng chỗ.

Tính đến thời điểm này, quy hoạch của 5 đô thị phía Tây Hà Nội thực ra mới chỉ là định vị và phác thảo, chưa phải là quy hoạch thực sự có tính khả thi. Theo ông Hùng, nếu muốn mua nhà thời điểm này cần cân nhắc kĩ đề phòng bị đẩy giá và “ngâm” vốn.

Ở một khía cạnh khác, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam lại cho rằng, vì chạy theo sự tăng nóng của thị trường mà ít người để ý định hướng quy hoạch vùng Thủ đô là cần phát triển theo hướng đa cực và tập trung liên kết giữa Thủ đô với các vùng lân cận. Hơn nữa, định hướng phát triển về kinh tế, chính trị, công nghiệp dịch vụ lại được định hướng là ở đô thị lõi và phía Đông thành phố. Do đó, nếu nói về sinh lợi, chưa hẳn khu vực phía Tây đã là lựa chọn tối ưu.

Trên thực tế, việc mở rộng Thủ đô về phía Tây là tất yếu vì khu vực này có quỹ đất lớn nhưng do chính sách, chiến lược quy hoạch chưa rõ ràng, dẫn đến mất cân bằng, không kiểm soát được diễn biến thị trường nhà đất. “Nếu “lướt sóng” khu vực phía Tây vào thời điểm này sẽ tiềm ẩn những rủi ro bởi rất khó xác định được thời điểm khi nào thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Và trong trường hợp đó, nếu vốn bị “ngâm” quá lâu tại đây thì chắc chắn cơ hội kiếm lời từ các dự án khác cũng sẽ trôi đi” - một chuyên gia BĐS nhận định.

Theo GS-TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, để tránh rủi ro, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư lúc này là tiếp nhận quy hoạch đó như thế nào, quy hoạch đó có tính khả thi bao nhiêu phần trăm và sự đảm bảo thực hiện quy hoạch của chính quyền là như thế nào. Nhà đầu tư phải có đủ thông tin trên thì hãy đầu tư, còn nếu chỉ nghe đồn thổi thì không nên “mạo hiểm”.

>>BĐS Tây Hà Nội: Lại “nóng” theo hạ tầng

>>Nhà đất "ăn theo" hạ tầng

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp