Một công ty xây dựng vừa đưa ra đơn giá xây dựng hoàn thiện trọn gói, nguyên vật liệu do công ty này tự mua, là 4,2 triệu đồng mỗi mét vuông sàn xây dựng.
Đây là giá kinh doanh và lợi nhuận của công ty đã được hạch toán trong đó. Nếu lấy đơn giá này làm chuẩn và phân bổ thêm tiền sử dụng đất cùng các loại chi phí khác, giá thành mỗi mét vuông sàn chung cư có lẽ không vượt quá 9 triệu đồng. So sánh với mức giá tham chiếu tạm tính này có thể thấy, giá bán lần đầu các căn hộ chung cư, kể cả nhà thu nhập thấp, đang quá cao. Qua tay mỗi lượt nhà đầu tư, giá bán chung cư lại bị đẩy lên cao hơn nữa. Chính điều này đã gây ra hiện tượng “bong bóng” bất động sản, và nguy cơ “vỡ bong bóng” là rất lớn khi giá nhà đất đã vượt quá khả năng chi trả của tuyệt đại đa số người có nhu cầu thực tế.
Chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản do Chính phủ đưa ra đang phát huy tác dụng, hàng loạt dự án bất động sản phải tính đến chuyện giảm giá để tìm kiếm khách hàng. Tuy vậy, gần đây, trên nhiều diễn đàn đang xuất hiện những lời kêu gọi Chính phủ thực hiện các giải pháp “cứu” thị trường bất động sản. Nhiều người đặt câu hỏi: “Cứu” thị trường bất động sản có đúng là để “cứu” nền kinh tế, hay chỉ để “cứu” một bộ phận nhà đầu tư thứ phát đang dần bị tước khả năng lũng đoạn thị trường?
Thực tế, lâu nay, các nhà đầu tư, cả lần đầu và thứ phát, đã kiếm được bộn tiền từ những thương vụ buôn bán bất động sản. Việc các nhà đầu tư bất động sản chịu lỗ để “đẩy hàng” thực chất chỉ là hoạt động “cắt lỗ” bình thường trong hoạt động kinh doanh. Với nhiều nhà đầu tư bất động sản sành sỏi, khoản lỗ này không thấm tháp gì so với khoản lợi nhuận khổng lồ mà họ tích lũy và gia tăng trong suốt thời kỳ thuận buồm, xuôi gió trước đó. Nếu Chính phủ nới lỏng chính sách thắt chặt tín dụng bất động sản cho các nhà đầu tư thứ phát, người tiêu dùng sẽ càng khó có cơ hội mua nhà. Bởi vậy, kêu gọi Chính phủ nới lỏng chính sách, hy sinh nhóm lợi ích kinh tế khác, để cứu những nhà đầu tư này là không hợp lý.
Về bản chất, bất động sản cũng là một loại hàng hóa tiêu dùng. Do vậy, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của nhà sản xuất phải được bảo vệ ngang nhau. Trong thị trường bất động sản tại Việt Nam, giá bán được đưa ra từ các nhà sản xuất (giá gốc) đã quá cao so với giá sản xuất (khiến nhiều người tiêu dùng không thể tiếp cận), đã là rào cản chủ yếu cho việc tiêu thụ sản phẩm của chính họ. Để thu hút được nhiều hơn khách hàng, các nhà sản xuất không còn cách nào khác là phải tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành đồng thời bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Như vậy, việc Chính phủ tiếp tục siết chặt tín dụng bất động sản đối với các nhà đầu tư thứ phát là hoàn toàn hợp lý. Chính sách này sẽ giúp “bong bóng” bất động sản tại Việt Nam “xì hơi” dần, đưa bất động sản về gần với giá trị thực, bảo đảm quyền lợi cho tuyệt đại đa số người dân có nhu cầu tìm mua nhà ở, đồng thời cũng bảo đảm thị trường bất động sản an toàn hơn.
Để bảo đảm quyền lợi của người dân có nhu cầu về nhà ở, bên cạnh quy chế đấu giá quyền sử dụng đất xây nhà để bán, có lẽ cần bổ sung quy chế “đấu giá ngược” về giá thành sản phẩm. Nếu doanh nghiệp nào bảo đảm được cả hai yếu tố, trả giá cao nhất cho quyền sử dụng đất và bảo đảm giá bán căn hộ thấp nhất, sẽ nhận phần thắng trong các phiên đấu giá quyền sử dụng đất. Như vậy, các doanh nghiệp đầu tư lần đầu xây căn hộ kinh doanh sẽ phải tính toán mức lợi nhuận hợp lý hơn. Cắt được “liên minh” giữa nhà đầu tư lần đầu và nhà đầu tư thứ phát, lại ràng buộc được điều kiện về giá thành, thị trường bất động sản có lẽ sẽ được “cắt cơn bão giá”.
DiaOcOnline.vn - Theo QĐND