Việc giao đất và giao quyền cho người dân định đoạt đối với đất ở đồng nghĩa với việc Nhà nước đã chấp nhận sở hữu tư nhân về đất đai.
Và vấn đề sở hữu đất đai đang được nhiều các chuyên gia tranh luận, góp ý đề nghị sửa đổi trong Luật Đất đai tới đây. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì trong quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức, chuyên gia liên quan đến công tác sửa đổi luật. Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm nhất của lần sửa đổi sắp tới là nội dung “có hay không thừa nhận đa dạng hóa sở hữu đất đai”.
Theo phân tích nhiều chuyên gia, hiện nay ngay trong các văn bản pháp luật hiện hành đã thể hiện sự không đồng nhất trong việc xác định quyền sở hữu đất đai. Nếu như điều 17 của Hiến pháp năm 1992 quy định “đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ” thì Bộ Luật Dân sự 2005 lại quy định đất đai là một trong những loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Trong khi đó, điều 5 Luật Đất đai lại quy định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”...
Vì vậy, cần bổ sung vấn đề cốt lõi về quyền sở hữu do 3 yếu tố cấu thành. Thứ nhất là quyền chiếm hữu, thứ hai là quyền định đoạt và thứ ba là quyền hưởng lợi. Cả ba quyền này suy cho cùng đều là quyền tài sản, có quyền buôn bán được.
Theo Tiến sĩ Trần Quang Huy - Trường Đại học Luật Hà Nội Luật, đất đai và vấn đề sở hữu đất đai trong Hiến pháp, Luật Đất đai và Bộ Luật dân sự chưa có sự nhất quán. Do vậy, vấn đề này cần phải làm được cân nhắc xem xét có nên tiếp tục sử dụng thuật ngữ "sở hữu toàn dân" hay không. Vì khái niệm không thực tế, quy định về sở hữu toàn dân đa dẫn đến cách hiểu rằng mọi người dân ai cũng có quyền một phần sở hữu của mình đối với đất đai, tài nguyên của nhà nước.
Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Đào Trung Chính cho rằng, khái niệm sở hữu đất đai chỉ có các nhà nghiên cứu mới tranh luận đến vấn đề này thôi, còn người dân thực ra họ không quan tâm đất đó thuộc sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước.
Cái họ quan tâm là họ có được sử dụng lâu dài hay không, và khi nhà nước thu hồi họ được bồi thường như thế nào, có thỏa đáng không mà thôi. Bên cạnh đó, họ quan tâm là khi sử dụng đất thì họ có được chuyển nhượng, mua bán, thừa kế, thế chấp, cho tặng... hay không. Tôi cho rằng, dù dưới hình thức nào thì giải quyết được những vấn đề đó mới là vấn đề quan trọng.
Hiện chúng ta đang chia thành mấy loại đất, trong đó quan trọng nhất là đất ở và đất nông nghiệp. Với đất ở thì nhà nước thực hiện giao lâu dài và cho phép người dân có hết các quyền đi kèm. Theo các nhà lý luận, như vậy không khác gì đã thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia