Khi các loại hình bất động sản như căn hộ cao cấp, đất nền dự án hoặc biệt thự giao dịch chậm lại thì thị trường nhà phố ở các quận ven vẫn giao dịch bình thường. Điều này cho thấy sản phẩm nhà phố đang là đích nhắm của nhiều người, cả để ở hoặc cho thuê.
Đầu tư ngắn ngày, lãi ít để cầm cự
Bà Nguyễn Thị Loan - chủ doanh nghiệp tư nhân địa ốc Thành Phát có trụ sở trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp) cho biết: "Sau nhiều năm kinh doanh nhà đất tại các dự án ở quận 2 và quận 7, từ tháng 2-2009 tôi đã rút vốn ra khỏi thị trường căn hộ và đất nền để đầu tư kinh doanh nhà phố. Ban dầu, tôi mua 2 căn nhà phố thương mại ở khu vực chợ Hạnh Thông Tây, sửa sang lại và tháng 4 vừa qua, bán một căn với giá 3,8 tỉ đồng lời gần 600 triệu đồng. Căn nhà còn lại ở vị trí đẹp hơn vẫn đang rao bán với giá 4,3 tỉ đồng, nếu bán được, tôi lời khoảng 500 triệu đồng”. Bà Loan cũng cho rằng, so với trước dây, do tình hình khó khăn chung nên thị trường nhà phố có chững lại nhưng nếu chọn được những căn nhà có vị trí tốt để tiện kinh doanh hoặc nhà giá rẻ để bán lại cho người có nhu cầu ở thực sự thì vân có “cửa ra" cho người có kinh nghiệm đầu tư địa ốc.
Sáng 16-7, trong vai một người đi mua nhà để ở, chúng tôi đến văn phòng môi giới nhà đất Thu Loan trên đường Cây Trâm (phường 8, quận Gò Vấp). Một nhân viên môi giới đã đứng tuổi tên Thành đưa ra một danh mục nhà phố do khách hàng gửi bán để giới thiệu và nói: "Nếu anh mua nhà từ 1-1,5 tỉ đồng/căn thì chỉ có vào hẻm của những đường Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu hoặc Quang Trung. Còn nếu mua trên giá đó mới ra được mặt tiền". ông Thành cho biết, giá đất mặt tiền đường Cây Trâm hiện đang ở vào khoảng 27-30 triệu đồng/m2, còn đường Quang Trung hiện nay ít nhất cũng 40 triệu đồng/m2. các đường như Lê Văn Thọ, Thống Nhất, nơi có thể kinh doanh tốt vào khoảng 30-35 triệu đồng/m2, còn lại thì có thể thương lượng với giá từ 30-32 triệu đồng/m2.
Ông Thành chỉ cho chúng tôi hai căn nhà để lựa chọn. Một căn có diện tích 3,5m x 16,5m nằm ở trong con hẻm 4 mét đường Phạm Văn Chiêu, đúc 2 tấm được rao bán với giá 1 ,25 tỉ đồng; còn một căn khác có diện tích 4m x 9m vào hẻm 3 mét đường Lê Văn Thọ, đúc 1 tấm với giá 1,05 tỉ đồng. Xong, ông nói: “Nếu anh muốn đầu tư thì có thể mua đất xây nhà rồi bán lại có lời hơn. Hiện ở quanh khu vực này có một số lô đất trống, có thể mua xong xây nhà ngay" . Ông Thành dẫn chúng tôi đến một lô đất nằm gần khu vực chùa Nghệ Sĩ trên đường Thống Nhất (phường 17, quận Gò Vấp). Lô đất khá vuông vức đang được sử dụng làm xưởng in đã có chủ quyền, diện tích 117 m2 được chủ nhà rao bán 1,2 tỉ đồng, tính ra mỗi m2 khoảng trên 10 triệu đồng. "Nếu anh mua, vài tháng sau khi con đường T3 chạy băng ngang sang đây hoàn thành, tôi đảm bảo giá không dưới 16 triệu đồng/m2 - ông Thành nói.
Ông Hai Phước - một người đầu tư kinh doanh nhà phố kỳ cựu ở Gò Vấp cho biết: “Tui cũng đã nhảy vô mua căn hộ rồi bán lại vài lần nhưng tính ra kinh doanh nhà phố là dễ ăn nhất. Mua nhà nát, xây nhà mới rồi bán lại, lời lãi có ít hơn nhưng vòng quay đầu tư chỉ trong vòng 5-7 tháng. Còn nếu xây xong khó bán thì có thể cho thuê vài ba tháng, sau đó bán được thì cộng vào cả "lời đơn lãi kép" một căn cũng được 100- 200 triệu đồng”.
Một quý tăng 5-10%
Một nhân viên kinh doanh ở sàn giao dịch địa ốc ACBR cho biết, theo dõi việc kinh doanh nhà phố giá rẻ tại một số quận ven như Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh… sẽ thấy một nghịch lý thú vị, đó là trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, khi các loại hình bất động sản khác liên tục giảm giá thì nhà phố thường tăng giá từ 5-10% mỗi quý. “Có những căn nhà phố, nhà đầu tư mua từ sàn giao dịch ACBR xong, sau đó một thời gian rao bán lại cũng ngay tại đây với mức giá cao hơn từ 300-500 triệu đồng mà vẫn có người mua"- nhân viên này nói.
Ông Phạm Hoàng Hữu Bắc - Giám đốc kinh doanh Công ty bất động sản Nhà Xanh cho rằng: “Giá trị của nhà phố là giá trị hiện hữu , còn giá trị của các loại hình khác như căn hộ, nền đất là giá trị trong tương lai. Do vậy, khi thị trường ngưng trệ thì nhà phố vẫn được giao dịch bình thường vì nhu cầu để ở không dừng lại được". Ông Bắc cũng cho biết, trong số khoảng 3.000 nhân viên môi giới nhà phố nhỏ lẻ đăng ký theo học các lớp môi giới nhà đất tại TPHCM thì có hơn phân nửa đồng thời cũng là các nhà đầu tư nhà phố. "Một trong những đặc thù đô thị của TPHCM là nhà phố, vì vậy nếu nắm bắt được cơ hội kinh doanh thì nhà phố cũng là một loại hình bất động sản đầu tư tiềm năng không kém gì các loại hình khác như căn hộ, khách sạn hoặc cao ốc văn phòng cho thuê..." - ông Bắc nhận xét.
Ông Phạm Văn Hải - Tổng giám đốc Công ty ACBR cho biết: "Tại sàn giao dịch ACBR, số lượng nhà phố giao dịch thành công trong 6 tháng qua giá ở mức tỷ lệ 60%, căn hộ là 20% và đất nền dự án khoảng 20%. Các loại nhà phố có giá trên dưới 3 tỉ đồng/ căn thuộc khu vực các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp… được giao dịch nhiều nhất. Nguyên nhân là bởi người dân có nhu cầu mua nhà để ở hoặc đổi nhà có khả năng tài chính ở mức nói trên khá lớn. Trong đó, cũng có rất nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng kinh doanh sang nhà phố, điều này càng làm cho thị trường nhà phố phát triển hơn so với các phân khúc thị trường bất động sản khác".
Ông Nguyễn Văn Phụng - Giám dốc DNTN Quang Vinh có trụ sở trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) cho biết: "Ngày càng có nhiều người nhắm đến việc kinh doanh nhà phố hoặc mua nhà phố để cho thuê làm mặt bằng kinh doanh. Ngoài ra, số lượng người dân nhập cư từ các tỉnh về mua nhà để ở hoặc có con cái về học hành, lập nghiệp tại TPHCM ngày càng nhiều, do vậy địa bàn các quận ven thường có số lượng giao dịch nhà phố lớn hơn các quận trung tâm".
Một lý do khác khiến cho số lượng nhà phố giao dịch tăng lên được nhiều nhà đầu tư đưa ra là bởi quy hoạch tại các quận ven ngày càng định hình, hầu hết nhà phố rao bán đều đã được cấp giấy chủ quyền, vì vậy việc giao dịch cũng thuận tiện hơn và người mua cũng yên tâm, tin tưởng hơn vào căn nhà mình nhận chuyển nhượng.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG