Không được gọi bằng tên văn vẻ như cò nhà đất là “môi giới bất động sản”, bao năm qua những người làm dịch vụ giới thiệu mặt bằng cho giới kinh doanh vẫn chỉ được gọi là “cò”. Kinh tế suy thoái, thị trường bất động sản rơi xuống gần tới đáy, cò mặt bằng lại càng lao đao hơn bao giờ hết.
Hết thời môi giới mặt bằng
Cụ thể hơn, phí dịch vụ của cò mặt bằng từ trước đến nay bình quân là một tháng tiền thuê nhà hoặc cao hơn một chút là 10%/tổng giá trị hợp đồng của năm đầu tiên, nay nhiều cò chấp nhận lấy mức phí chỉ còn khoảng 50%/tháng tiền thuê nhà hoặc tính trọn gói 10 - 50 triệu đồng cho một lần môi giới mà giá trị hợp đồng thuê nhà lên đến tiền tỉ.
Trần Minh Nam, chàng trai 28 tuổi có thâm niên làm dịch vụ giới thiệu mặt bằng đã sáu năm nói: “Hơn 60% dân làm cò như tui đã chuyển nghề, số còn lại thì thu nhập cũng chỉ còn 3 - 4 phần so với 10 phần trước đây”.
Thời hưng thịnh của giới cò mặt bằng chính là giai đoạn năm 2005 - 2007. Cùng với sự phát triển mạnh của lĩnh vực bán lẻ, Việt Nam vươn lên vị trí thị trường hấp dẫn nhất thế giới (trên cả Nga và Trung Quốc), nhu cầu mở điểm phân phối, phát triển hệ thống đại lý của các công ty, các chủ tư nhân cũng tăng khá mạnh. Giới cò liên tiếp nhận được đặt hàng từ các nhà kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Hương, chủ cửa hàng điện thoại di động trên đường CMT8 kiêm cò cho thuê mặt bằng kể: “lúc đó phí dịch vụ không tính bằng giá một tháng thuê nhà, mà với những mặt bằng thuộc hàng hiếm như mặt tiền đường lớn khu trung tâm tính bằng 5 - 7%/tổng giá trị hợp đồng suốt thời hạn cho thuê”.
Có lẽ thấy cò mặt bằng kiếm lời khá nhanh và dễ dàng từ hai phía cung và cầu, nên nhiều chủ nhà và chủ kinh doanh đã thay đổi phương thức bằng cách tăng cường rao cho thuê/hoặc rao tìm kiếm mặt bằng trên mạng, trên báo, trên các trang web mua bán. Từ cuối năm 2007 bắt đầu xuất hiện, và khá phổ biến từ giữa năm 2008 đến nay, các bảng cho thuê gắn trước mặt tiền nhiều ngôi nhà, cũng như các tin rao trên phương tiện truyền thông đại chúng đều ghi rõ “không qua môi giới”, “miễn trung gian”…
Chuyển sang môi giới sang nhượng
Những mặt bằng trống trên các tuyến đường ngày càng ít. Cộng thêm khủng hoảng kinh tế, các nhà kinh doanh đa phần đều lui vào thế thủ nhiều hơn là phát triển mạng lưới.
Sức mua giảm mạnh, nhu cầu thuê mặt bằng mới cũng giảm, nhưng nhu cầu sang nhượng, hoặc cho thuê lại mặt bằng đang kinh doanh lại tăng thêm. Và một số cò mặt bằng lại nhanh nhẹn nắm bắt thời cơ này. Bà Trương Thị Ánh, chủ thẩm mỹ viện khu vực Bắc Hải, quận 10 kể: do vắng khách quá, tôi đăng báo tìm người sang mãi mà hơn hai tháng chẳng có ai hỏi. Giữa tháng 6 vừa rồi, một người đến tìm tôi tự giới thiệu là làm dịch vụ môi giới. Sau khi trao đổi cặn kẽ, biết giá tôi đưa ra là 800 triệu, anh ta đề nghị tôi giảm xuống một ít, còn khoảng 700 triệu thì sẽ có người chịu. Tôi đồng ý, hai ngày sau có người đến làm hợp đồng sang tiệm ngay. Tôi cho anh ta 5 triệu, còn bên kia cho bao nhiêu tôi không rõ.
Bà Nguyễn Thị Hương cũng kể thêm: cò sang nhượng mặt bằng bây giờ còn kiếm chi phí bằng cách giúp các chủ đang kinh doanh thanh lý mặt bằng như thế nào có lợi nhất. Nhiều lúc là nhượng trọn gói, nhiều lúc phải xé lẻ bán đồ nội thất một nơi, bán hàng đang kinh doanh cho một nơi, còn mặt bằng thì cho người khác thuê lại, chấp nhận mức lỗ ở giới hạn thấp nhất.
Vậy nên cò luôn hy vọng cung - cầu luôn khó gặp nhau để họ còn phát triển dịch vụ.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị