Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - TP.HCM, khẳng định không có chuyện ngưng hoàn toàn giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện như có báo đã thông tin.
Cơn “sốt” đất nổi lên gần đây ở huyện Cần Giờ - TPHCM thoạt tưởng có thể lý giải như một đợt dư chấn sau “trận bom” của những The Vista, Sky Garden 3 làm rung chuyển thị trường địa ốc trong mấy tuần qua. Song, theo ghi nhận của phóng viên, sự sôi động gần như chỉ là kịch bản của giới “cò” đất.
Vậy mà không phải vậy!
Vừa qua phà Bình Khánh, chạy dọc đường Rừng Sác, chốc chốc lại thấy những nhóm người tụm năm tụm ba trong quán cóc ven đường, đằng sau những tấm bảng “Tại đây bán đất”, “Giới thiệu sang đất”, “Đất bán”...
Mới nhìn vào có vẻ thị trường nhà đất ở huyện vùng sâu này sôi sục thật sự. Tôi thử ghé vào vài “sàn” giao dịch, ngồi mỗi nơi chưa đầy 10 phút đã kịp nhận ra những người có mặt toàn dân “cò” đất mặc dù ban đầu họ trò chuyện như kẻ bán người mua rất rôm rả. H., một tay “cò” từng ăn nên làm ra ở khu vực quận 7, Nhà Bè giờ chuyển hẳn xuống hoạt động ở Cần Giờ, ôm một xấp photocopy sổ đỏ “nổ” như pháo: “Miếng này ở ấp Bình Trung, 120 m2 giá 110 triệu đồng, anh mua thì tuần sau xuống gặp chủ đất rồi đi công chứng, trong vòng 10 ngày là cất nhà được liền”.
“Bác ơi, nhà mình bán đất hả bác?”- tôi hỏi một lão nông nằm hút thuốc trên chiếc võng trước ngôi nhà có cắm biển “Đất bán. Liên hệ 090836...” ở ven đường Rừng Sác, xã Bình Khánh. “Ừ, nhưng chú gọi cho chú T. theo số điện thoại trên bảng”, ông lão đáp.
Theo lời lão nông này thì T. là người chuyên môi giới bán đất, chừng 2 tháng trước tay “cò” này tới thuyết phục ông nên bán bớt phần đất nửa gò nửa ngập vốn chỉ để trống sau khi giải tỏa đường Rừng Sác. T. bảo lãnh phần tìm mối giao dịch, miễn sao khi sang tên xong là giao cho ông 180 triệu đồng/công (1.000 m2), còn lại “lời ăn lỗ chịu”. Tôi bấm máy gọi vào số điện thoại trên bảng, T. ra giá 260 triệu đồng, không bớt. Trước khi cúp máy, T. không quên dặn: “Anh muốn mua thì quyết định sớm, chứ nhiều người hỏi lắm, chần chừ là hổng còn đâu”.
Sau một ngày lang thang ở đây, chúng tôi ghi nhận hầu hết giao dịch chuyển nhượng đất đều qua trung gian là những tay “cò”, hiếm có trường hợp người dân trực tiếp bán đất.
Mua đi, bán lại lòng vòng
Khác với cách lý giải của một vài chuyên gia về thị trường nhà đất rằng cơn “sốt” đất ở Cần Giờ xuất phát từ tâm lý đón “gió” của dự án cầu Bình Khánh, nhiều tay “cò” tỏ ra rất mơ hồ về dự án này. Thậm chí, không ít “cò” còn thuyết phục khách mua đất chỉ với lý do rất đơn giản rằng “giá đất ở đây chỉ bằng 1/10 quận 7”.
Những bản photocopy sổ đỏ mà các tay “cò” trưng ra với chúng tôi cho thấy, đa phần là đất đã qua 1 - 4 lần chuyển nhượng, tức có khả năng là đất của giới đầu cơ bán ra. Lãnh đạo huyện Cần Giờ cũng như xã Bình Khánh cũng có chung nhận định phần lớn trường hợp giao dịch là mua đi bán lại.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại ngày 10 - 11, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, khẳng định không có chuyện ngưng hoàn toàn giao dịch chuyển nhượng đất trên địa bàn huyện như có báo đã thông tin.
Theo ông Hiệp, chỉ những trường hợp đất công do chính quyền xã đăng ký trước đây hoặc đất công cấp cho cán bộ, công chức mới phải tạm dừng giao dịch để kiểm tra, đối chiếu lại nguồn gốc và quy trình thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường. “Trường hợp nào kiểm tra thấy hợp lý, rõ ràng cũng vẫn được giao dịch bình thường”- ông Hiệp nói. Riêng đất do người dân kê khai và đã được cấp sổ đỏ thì chính quyền địa phương vẫn phải chứng nhận cho giao dịch theo quy định.
“Việc kiểm tra nguồn gốc đất công đã cấp cho cán bộ là cần thiết để bảo đảm sự công bằng, rõ ràng. Nếu có ngăn chặn tình trạng đầu cơ thì phải trên cơ sở quản lý bằng quy hoạch chứ không thể cấm đoán người dân giao dịch vì sẽ vi phạm quyền của người dân đã quy định tại Luật Đất đai” - ông Hiệp khẳng định.
Theo Người Lao Động