Có huyện “trắng” giấy phép xây dựng

Cập nhật 20/12/2012 08:51

Tại buổi tổng kết công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn TP Hà Nội ngày 18/12, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, số lượng giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp năm 2012 giảm so với cùng kỳ năm 2011. Thậm chí, có những địa bàn không cấp được GPXD nào như huyện Quốc Oai và huyện Mỹ Đức.
 

Hà Nội vẫn tồn tại nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo. Ảnh: Chí Cường


Thiếu cán bộ, vướng quy hoạch

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Quốc Tuấn, số lượng GPXD được cấp năm 2012 giảm so với cùng kỳ năm 2011. Nhưng nhiều quận, huyện thuộc Hà Nội (cũ) vẫn có số lượng GPXD và tỷ lệ công trình xây dựng có phép cao (trên 90%).

Tuy nhiên cũng có những địa bàn số GPXD được cấp ít như Ba Vì (1 GPXD), Thanh Oai (4 GPXD), Đan Phượng (9 GPXD). Cá biệt có một số địa bàn không cấp được GPXD nào như 2 huyện Quốc Oai và Mỹ Đức. Tính trên toàn thành phố, trong năm 2012 đã cấp được hơn 8.500 GPXD với tổng diện tích sàn hơn 2,6 triệu m2.

Một số nguyên nhân được lãnh đạo Sở Xây dựng chỉ ra là các địa phương mới hợp nhất, địa bàn rộng, cán bộ làm công tác cấp giấy phép còn thiếu cả số lượng và nghiệp vụ, cần đào tạo và bổ sung trong thời gian tới, đặc biệt cán bộ chuyên ngành tại các xã, thị trấn còn chưa có.

Hơn thế, hầu hết các địa bàn đang áp dụng quy hoạch cũ chủ yếu tỷ lệ 1/5000, 1/2000 đã được phê duyệt từ lâu nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế xây dựng về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao công trình. Tại các huyện mới hợp nhất còn thiếu quy hoạch chi tiết, thậm chí cả quy hoạch chung cũng chưa được phê duyệt. Do đó, căn cứ để cấp giấy phép xây dựng không đầy đủ. Một số trường hợp trước đây là nhà 4, 5 tầng, nay muốn cải tạo hoặc xây mới, tuy nhiên bị vướng vào quy hoạch treo nên để cấp mới chỉ cấp tạm được 3 tầng…

Kỷ luật hơn 100 cán bộ

Cũng tại buổi tổng kết, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết đã có hàng trăm cán bộ, công chức bị xử lý liên quan đến buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng. Cụ thể, Sở Xây dựng và các quận, huyện đã xem xét xử lý kỷ luật 142 trường hợp cán bộ, trong đó khiển trách 44 trường hợp, cảnh cáo 30 trường hợp, cách chức 4 trường hợp, bãi nhiệm 2 trường hợp, buộc thôi việc 5 trường hợp và xử lý kỷ luật bằng hình thức khác 57 trường hợp.

Theo ông Trần Đức Học - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, một số công trình vi phạm nổi cộm trong năm 2012 như: công trình sai phép tại số 55A, 55B, 53D phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm); các công trình xây dựng sai phép tại phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế (Hai Bà Trưng); công trình xây dựng sai phép tại 53-55 Nhân Hòa (Thanh Xuân)… Tổng cộng, thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra xử lý vi phạm hành chính 178 trường hợp với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng.

Ông Học cho rằng, những tồn tại trên do một số quận, huyện chỉ đạo xử lý thiếu quyết liệt, trong xử lý còn hiện tường đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đáng chú ý chưa có đơn vị nào chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công, nhà thầu giám sát khi họ cố tình tiếp tục thi công xây dựng công trình sau khi đã có quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của người có thẩm quyền.

Về xử lý nhà siêu mỏng, méo, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết việc chậm tiến độ do gặp khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền thu hồi đất, vốn, quỹ nhà đất tái định cư… Điển hình như quận Ba Đình dự kiến kinh phí lên tới gần 110 tỷ đồng và 85 căn hộ tái định cư; quận Đống Đa đã hoàn thành phương án thu hồi 47 trường hợp, tuy nhiên lại quan ngại rằng UBND cấp quận không đủ thẩm quyền thu hồi đất khi giải quyết các trường hợp siêu mỏng, méo.

Sở Xây dựng cho biết, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại 11 quận, huyện trong xử lý nhà siêu mỏng, méo, phấn đầu hoàn thành trong quý I/2013.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động