Việc thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung (QHC) Xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 là những dấu mốc quan trọng đối với công tác quy hoạch của Hà Nội.
Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Mạnh Tiến - Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội về những cơ hội cũng như công việc đã và sẽ tiếp tục thực hiện trong công tác quy hoạch để tạo dựng diện mạo đô thị xứng tầm với tiêu chí Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Khu đô thị mới Văn Quán, quận Hà Đông.Ảnh: Bá Hoạt
|
Để triển khai QHC, khối lượng đồ án quy hoạch mà Hà Nội phải thực hiện rất đồ sộ. Xin ông cho biết, đến thời điểm này đã có bao nhiêu đồ án được phê duyệt và theo kế hoạch từ nay đến cuối năm sẽ có bao nhiêu đồ án được duyệt?
- Xác định vai trò và tầm quan trọng của việc triển khai QHC sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND TP, Sở QH - KT đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, với mục tiêu trong thời gian ngắn nhất toàn TP có đủ các đồ án cụ thể hoá nội dung định hướng QHC làm công cụ cho việc quản lý việc xây dựng theo quy hoạch trên toàn địa bàn.
Tính đến ngày 4/6/2013, về cơ bản các quy hoạch đã được nghiên cứu theo đúng quy định, đảm bảo quy trình, được UBND TP phê duyệt 10 đồ án quy hoạch phân khu (N1, N2, N3, N4, N5, N7, N8, N9, S1, S2, S3, S4, S5). Các đồ án quy hoạch phân khu đô thị đang hoàn chỉnh - thẩm định để trình UBND TP trong quý III/2013 gồm: N6, N11, A6, GS và GN. 13 đồ án quy hoạch phân khu (H1-1A, H1-1B, H1-1C, H1-2, H1-3, H1-4, H2-1, H2-2, H2-3, H2-4, R-(1÷5), N10, GN-(A)) do Viện QHXD Hà Nội đang nghiên cứu lập phấn đấu hoàn thành trình duyệt trong năm 2013. Đến nay, toàn bộ quy hoạch xây dựng huyện, thị trấn thuộc huyện, thị trấn sinh thái và các đô thị vệ tinh đã được Sở tổ chức lấy ý kiến Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng TP. Ngoài ra, Sở đang triển khai nhiều quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã được UBND TP phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị như quy hoạch hai bên các tuyến đường Bảo tàng Dân tộc học - Yên Hòa - Phú Đô, Xuân Thủy, Trần Phú - Kim Mã; Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, dọc đê sông Hồng (đoạn từ Nguyễn Khoái đến đường Thanh Niên)...
Có nhiều ý kiến cho rằng QHC triển khai còn chậm, gây vướng mắc cho một số dự án, quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
- Đồ án QHC xây dựng Thủ đô nghiên cứu trong hơn 3 năm (2008 đến 7/2011) trong bối cảnh nhu cầu đầu tư phát triển đô thị nông thôn liên tục và là nhu cầu cần thiết. Trong đó có nhiều dự án phát triển khu đô thị cần được rà soát, điều chỉnh phù hợp với định hướng của QHC. Do đó, ý kiến cho rằng gây vướng mắc cho một số dự án có phần đúng song chưa đầy đủ, việc tạm dừng, điều chỉnh, chờ quy hoạch phân khu, quy chế quản lý... là cần thiết. TP hiện đang thực hiện một khối lượng khổng lồ các đồ án quy hoạch cấp dưới, quy hoạch chuyên ngành để triển khai sau QHC và thực hiện trong một thời gian ngắn thì Hà Nội đã làm được nhiều việc. Đặc biệt là khi so sánh với thời gian trước đó, sau khi Hà Nội được phê duyệt đồ án QHC năm 1998 thì phải cần đến gần 5 năm, mới thực hiện được quy hoạch chi tiết 14 quận, huyện. Mà các đồ án này mới chỉ dừng ở quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông.
Mở rộng địa giới được đánh giá là cơ hội để Hà Nội có thể giải quyết được nhiều vấn đề nan giải của đô thị. Xin ông cho biết những bước đi của quy hoạch trong 5 năm qua nhằm hiện thực hóa cơ hội này?
- Có thể nói, việc Thủ đô Hà Nội được mở rộng diện tích là cơ hội vàng tạo điều kiện để Hà Nội phát triển đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô đã được phê duyệt. Đây cũng thời cơ giải quyết các vấn đề tồn tại của đô thị trong những năm vừa qua, là vận hội từ việc tạo thêm nhiều quỹ đất để phát triển các chức năng quan trọng còn thiếu cho Thủ đô, là cơ hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Đối với phần nội đô lịch sử: Đây là cơ hội hiếm có để cụ thể rà soát, bổ sung và hoàn thiện lại các không gian đô thị cũ, bổ sung các quỹ đất hạ tầng đô thị; tái phát triển các khu dân cư; đặc biệt là giao thông. Hạn chế chất tải thêm lên hệ thống hạ tầng vốn đã lạc hậu và xuống cấp tại khu vực này.Đối với đô thị trung tâm phần mở rộng (giới hạn đường vành đai xanh sông Nhuệ đến phía Đông Vành đai 4), đây là cơ hội để tổng rà soát, lập danh mục các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư đã được chấp thuận triển khai trên địa bàn TP. Công tác này giúp điều chỉnh và khớp nối các dự án với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và sử dụng đất của cả TP; Trên cơ sở đó đánh giá phân loại đồ án: Tiếp tục triển khai hoặc dừng lại nhằm đạt được mục đích đã được xác định trong đồ án QHC.
Đối với các đô thị vệ tinh và thị trấn sinh thái, việc tổ chức dành đất Vành đai xanh, xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái là một trong những ưu điểm nổi bật của Đồ án quy hoạch chung lần này, góp phần lớn cải thiện môi trường, khí hậu chung đô thị. Đây là cơ hội để sắp xếp, cải tạo chỉnh trang nông thôn mới, đồng thời xây dựng các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái… theo hướng phát triển bền vững; Còn về kiến trúc, cảnh quan đô thị, việc mở rộng địa giới đã tạo cơ hội để điều tiết chức năng từng công trình, khu vực. Từ đó kiểm soát, tạo dựng được không gian kiến trúc đô thị hiện đại và bản sắc; Kiểm soát và cân đối công tác dân số, dân cư từng địa bàn; Cơ hội để tổ chức lại không gian cao tầng hiện đang lộn xộn, manh mún… Và đây cũng là cơ hội "trăm năm có một" để cải tạo, xây dựng mới các hạ tầng đầu mối hiện đại, có quỹ đất dành cho giao thông… hoặc bổ sung, điều tiết hệ thống hạ tầng đô thị đã xuống cấp.
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị