Ngày 26-12, Bộ Xây dựng và Liên danh nhà thầu Perkins Eastman (Hoa Kỳ), Posco E&C, Jina (Hàn Quốc) đã chính thức ký hợp đồng tư vấn quốc tế lập quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với số tiền đầu tư gần 6,4 triệu USD. Nhân sự kiện này, báo giới đã phỏng vấn ông Bradford Perkins - Chủ tịch Perkins Eastman.
* Thưa ông, đến thời điểm này liên danh đã có những ý tưởng quy hoạch ban đầu nào cho đồ án quy hoạch chung Hà Nội chưa?
Hiện nay chúng tôi đang tập hợp thông tin để hiểu được bối cảnh hiện trạng của Hà Nội. Có lẽ là hơi sớm để nói gì đó về tương lai cho Hà Nội. Sau Tết Nguyên đán chúng tôi sẽ bắt đầu ngồi với nhau cùng đề cập đến các vấn đề quy hoạch quan trọng. Nhưng có một điều chắc chắn là chất lượng về thiên nhiên và lịch sử của Hà Nội vẫn được bảo tồn. Các trung tâm cũ của thủ đô Hà Nội, các công trình lịch sử sẽ là cơ sở quan trọng để quy hoạch Hà Nội trở thành thành phố độc đáo nhất.
* Phải chăng liên danh rất đề cao yếu tố “hiểu Hà Nội”?
Hiểu Hà Nội là nhiệm vụ đầu tiên mà chúng tôi phải làm. Chúng tôi sẽ kết hợp với tư vấn trong nước để tìm hiểu các vấn đề đang vấp phải hết sức nghiêm trọng mà chúng tôi phải xử lý trong đồ án quy hoạch. Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi thực hiện đồ án quy hoạch quy mô lớn như thế này. Là nhà tư vấn chuyên nghiệp, để làm đồ án, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ trước khi bắt tay làm. Chúng tôi rất cần ý kiến đóng góp của địa phương, kinh nghiệm quốc tế và kết hợp chúng với nhau trong nghiên cứu.
* Ông có nói Hà Nội đang vấp phải các vấn đề nghiêm trọng, cụ thể là gì?
Có nhiều nhưng tôi tạm chỉ ra như thế này. Đầu tiên là vấn đề giao thông, mặc dù lượng ô tô hiện nay chưa phải là nhiều nhưng nếu sở hữu ô tô ở Hà Nội tăng lên như ở Trung Quốc thì một thời gian nữa, gần thôi, các phương tiện giao thông sẽ rất khó di chuyển trong thành phố.
Vấn đề thứ hai là khi Hà Nội phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ mang tầm quốc tế thì có lẽ không nên đặt ở trung tâm cũ của thành phố. Vấn đề thứ ba là phát triển môi trường ở bền vững. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu, để thực hiện được những chính sách đó thì hết sức khó khăn, phức tạp.
Một vấn đề nữa chắc chắn Hà Nội sẽ phải triển khai là công nghiệp hóa. Các ngành công nghiệp sẽ phát triển mạnh. Chúng tôi sẽ phải hướng sự phát triển đó để không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của Hà Nội.
* Hà Nội đã 8 lần điều chỉnh quy hoạch chung, vậy đồ án quy hoạch mà liên danh nghiên cứu trong tương lai có thể sẽ phải điều chỉnh không?
Ngược lại, chúng tôi sẽ thiết kế quy hoạch Hà Nội như một khuôn khổ khung, cho phép những sự thay đổi, điều chỉnh một cách linh hoạt. Chúng tôi sẽ không làm những bức tranh đến năm 2020, 2030 để nói rằng bức tranh đó phải hoàn chỉnh mà đồ án quy hoạch đó sẽ là khuôn khổ vững chắc, định hướng tương lai. Như thành phố quê hương tôi, Washington DC, thủ đô của Hoa Kỳ, quy hoạch đã làm cách đây 200 năm. Mặc dù 200 năm qua, Washington thay đổi khá nhiều nhưng những ý tưởng quy hoạch căn bản thì vẫn tồn tại.
Ý tưởng quan trọng của chúng tôi là tạo nên một văn kiện hồ sơ sống mà nó có thể cho phép sự biến đổi linh hoạt và sống cùng sự thay đổi đó.
* Thời hạn 1 năm để nghiên cứu quy hoạch chung cho Hà Nội liệu có quá ít không, thưa ông?
Chúng tôi hiểu là có rất nhiều công việc phải làm và thời gian quá ít. Nhưng dù sao chúng tôi cũng cố gắng hết sức để tổ chức thực hiện được công việc. Tôi nghĩ rằng thời gian như vậy là đủ để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
* Cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng