Cơ hội cho người thu nhập thấp

Cập nhật 21/01/2009 08:05

Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ cho sử dụng nguồn vốn kích cầu đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội. Tiếp sau đó, Bộ Xây dựng đề xuất phương án sử dụng vốn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời cụ thể hóa cơ chế khuyến khích huy động các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển loại hình nhà này. Chủ trương trên đã thu hút sự quan tâm của dư luận và được nhiều DN đồng thuận.

Hai phương án và cơ chế hỗ trợ

Phương án thứ nhất được Bộ Xây dựng đề xuất là cho các dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp được vay vốn theo phương thức cấp tín dụng có hoàn trả, thời hạn tối đa 10 năm (nhà ở cho công nhân, sinh viên thuê là 15 năm). Phương án thứ hai, do Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất là hỗ trợ lãi suất 4% với dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong thời gian 2 năm (số tiền hỗ trợ lãi suất này dự kiến khoảng 717 tỷ đồng). DN phải có tối thiểu 15% tổng mức đầu tư dự án (tương đương 1.300 tỷ đồng). Số vốn còn lại, các ngân hàng thương mại được ủy thác sẽ huy động bổ sung.

Ngoài hai phương án trên, Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế khuyến khích DN đầu tư nhà ở xã hội thông qua miễn tiền sử dụng đất, thuế đất; tăng hệ số sử dụng đất và mật độ xây dựng so với các dự án thương mại để giảm giá xây nhà ở; áp dụng thuế VAT 0%; được vay ưu đãi hoặc bù lãi suất...

Theo Bộ Xây dựng, Nhà nước chỉ đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách để cho một số đối tượng đặc biệt khó khăn (mức thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng) thuê ở. Hình thức có thể là cân đối vốn từ ngân sách TƯ và địa phương hàng năm để đầu tư trực tiếp, hoặc mua quỹ nhà ở của các thành phần kinh tế khác đã đầu tư xây dựng.

DN sẵn sàng hưởng ứng

Ông Trần Minh Quý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho rằng, dù áp dụng phương án nào thì việc Nhà nước hỗ trợ DN bằng chính sách đất đai, thuế, quy hoạch-kiến trúc, đều góp phần giảm chi phí đầu tư để có được những sản phẩm thích hợp với đối tượng nhà ở xã hội hướng tới.

Mặc dù chưa đăng ký dự án nhà ở xã hội, song UDIC sẽ hướng tới thị trường nhà ở dành cho đối tượng có mức thu nhập trung bình, là phân khúc thị trường còn nhu cầu rất lớn. "Có nhiều đơn vị thành viên của UDIC từ bỏ phân khúc nhà ở cao cấp đã bão hòa để chuyển sang đầu tư loại hình nhà ở này. Trước mắt, trong năm 2009 UDIC sẽ khởi công xây dựng 2 tòa tháp cao 27 tầng ở Vĩnh Tuy, thiết kế mỗi căn hộ diện tích 50-70m2..."- ông Quý cho biết.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Hiệp cũng công bố: HUD đăng ký triển khai 2 dự án nhà ở xã hội tại khu đô thị Thanh Lâm - Mê Linh (Hà Nội) và Chánh Mỹ (Bình Dương). Mỗi dự án nhà ở xã hội này với quy mô 5ha, nằm trong tổng thể của khu đô thị mới Thanh Lâm và Chánh Mỹ.

Điều đó có nghĩa các hộ dân sinh sống tại dự án nhà ở xã hội cũng sẽ được hưởng tiện ích từ hạ tầng kỹ thuật, xã hội của cả khu đô thị mới. Ngoài ra, HUD sẵn sàng tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp ở tất cả các dự án khu đô thị mới do HUD đầu tư nếu địa phương yêu cầu. Cũng theo ông Hiệp, hiện tại nhu cầu của phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình còn rất lớn. Trong khi thị trường bất động sản (TT BĐS) vẫn có xu hướng trầm lắng, các dự án nhà ở có giá 500-700 triệu đồng/căn hộ mà HUD đầu tư thời gian qua vẫn bán chạy.

Vì vậy, việc kích cầu TT BĐS cũng nên hướng tới cả phân khúc nhà ở cho đối tượng có thu nhập trung bình. Vấn đề là ngoài việc hỗ trợ bằng chính sách đất đai, lãi suất, thuế... không nên đánh đồng nhà cao cấp với nhà trung bình hay nhà cho người thu nhập thấp, để từ đó có sự phân loại, dạng BĐS nào thì thắt chặt tín dụng, dạng BĐS nào nên nới lỏng hỗ trợ DN, hoặc người tiêu dùng tiếp cận với nguồn vốn.

Kích cầu - hỗ trợ DN: Chưa đủ!

Cũng theo ông Trần Minh Quý, kích cầu cho TT BĐS, trong đó đối tượng hướng tới là người thu nhập thấp là chủ trương đúng. Tuy nhiên, nếu các chính sách chỉ tập trung cho việc hỗ trợ DN thôi thì chưa đủ. Bởi, dù DN có làm ra sản phẩm với giá thành phù hợp, nhưng người mua, mà ở đây là đối tượng thu nhập thấp, không đủ kinh phí trang trải sản phẩm sẽ không tiêu thụ được. Vì vậy, cơ chế cho người mua được vay ưu đãi hoặc được hỗ trợ lãi suất cũng cần phải được tính toán và xác định rõ vay từ nguồn nào, chế độ ưu đãi, người vay phải đáp ứng các điều kiện gì...

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm đặt vấn đề, khi kích cầu, người mua mới là then chốt. Ở đây nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, nhưng thế nào là thu nhập thấp lại chưa có định nghĩa rõ ràng.

Đồng tình về nhóm đối tượng cán bộ, công nhân, viên chức cần được hỗ trợ về nhà ở, song ông Liêm cho rằng, thực tế có không ít cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương là chính, thậm chí nếu so với mặt bằng xã hội, họ lại là những người có thu nhập cao. Vì vậy, nếu không có cơ chế sàng lọc, kiểm soát chặt, chính sách trên dễ bị lợi dụng. Kinh nghiệm mà nhiều nước phát triển đang áp dụng là lập quỹ, người lao động trích 5% lương nộp vào quỹ này, đến khi đủ chi trả 20% giá trị nhà thì họ được cho vay để mua nhà ở xã hội.

Nhiều chuyên gia BĐS phân tích, nhà ở xã hội vừa là hàng hóa kinh tế vừa là hàng hóa xã hội. Vì vậy, phải giải quyết hai yếu tố: hàng hóa kinh tế do thị trường quyết định, còn hàng hóa xã hội do Nhà nước chăm lo. Cần có cơ chế chính sách để thị trường cung ứng được nhà giá rẻ, nhưng bên cạnh đó cũng phải cẩn thận để không lặp lại cơ chế bao cấp về nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới