Có gì ở 'thành phố thông minh' do Nhật Bản xây dựng trên đất Việt?

Cập nhật 07/05/2018 13:39

Siêu dự án 'thành phố thông minh - smart town' ở Việt Nam đang thu hút sự chú ý của chính phủ Nhật Bản và hơn 20 doanh nghiệp nước này, tờ Nikkei Asian Review cho hay.

Thành phố rộng 310 ha nằm ở phía bắc Hà Nội. ẢNH: NIKKEI ASIAN REVIEW

Cụ thể, Nikkei hồi tháng 2 cho biết chính phủ và hơn 20 doanh nghiệp Nhật đang hợp tác để xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam vào năm 2023 với xe buýt tự lái và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Hãng Sumitomo Corp, Mitsubishi Heavy Industries sản xuất máy móc và nhà điều hành tàu điện ngầm Tokyo Metro là ba trong số các doanh nghiệp tham gia. Dự án được cho là có giá trị gần 4.000 tỉ yen Nhật, tương đương 37,3 tỉ USD và là dự án nước ngoài lớn nhất do Nhật Bản dẫn đầu tính đến thời điểm hiện tại.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cũng liên quan đến kế hoạch này. Dự án sẽ nhận tài trợ từ nhiều nguồn: vốn do các doanh nghiệp tự huy động, nguồn hỗ trợ phát triển nước ngoài từ Nhật Bản và vốn đối ứng chính phủ Việt Nam. Bộ Thương mại và Hợp tác quốc tế Nhật Bản sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách nghiên cứu và đàm phán với phía Việt Nam.

Kế hoạch phù hợp với chính sách thúc đẩy “đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao” tại các nước đang phát triển của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nước Nhật muốn thắng các đơn hàng nước ngoài bằng cách thúc đẩy chất lượng và sự tiện lợi của công nghệ Nhật Bản, thay vì giảm giá. Chính phủ xem thành phố thông minh là ý tưởng kiểu mẫu không chỉ cho các cơ sở lớn như nhà máy điện, mà còn là các sáng kiến gần gũi hơn với người tiêu dùng.

Tập đoàn dẫn đầu dự án Sumitomo đã ký thỏa thuận hợp tác với hãng bất động sản Việt Nam BRG Group. Công ty kiến trúc Nhật Bản Niken Sekkei thì thiết kế thành phố có diện tích 310 ha, tọa lạc ở phía bắc Hà Nội. Từ đây lái xe đến trung tâm thủ đô mất khoảng 15 phút.
Giai đoạn triển khai đầu tiên có thể khởi động sớm nhất là vào tháng 10 tới, với 7.000 căn hộ chung cư và nhiều cơ sở thương mại khác được xây dựng vào cuối năm sau. Các căn hộ nhắm vào người tiêu dùng có thu nhập trung bình. Sumitomo và BRG chủ yếu chia nhau khoản đầu tư ban đầu là 1 tỉ USD.

Mitsubishi Heavy cung cấp xe buýt tự lái và trạm sạc cho xe điện. Điều này giúp ô tô và xe máy phát nhiều khí thải không xuất hiện trên phố. Thiết bị thông minh của Panasonic và đồng hồ thông minh do KDDI sản xuất sẽ giúp thành phố tiết kiệm năng lượng.

Trong khi đó, Daikin Industries thì có kế hoạch phát triển hệ thống điều hòa không khí phù hợp với khí hậu ẩm ướt của thủ đô. Các siêu thị Nhật Bản, trong đó có Aeon và Summit, có ý định mở siêu thị tại đây. Các ngôi nhà được tranh bị tấm pin mặt trời và thiết bị tái chế rác thực phẩm. Ngoài ra, dấu ấn Nhật Bản còn để lại ở 3.000 cây anh đào có khả năng sống tốt trong môi trường địa phương.

Tuyến đường 2 của Metro Hà Nội, vốn đang được phía Nhật xây dựng bằng hình thức ODA, sẽ được mở rộng đến thành phố thông minh. Theo kế hoạch, tuyến metro này sẽ được kéo dài đến Sân bay Quốc tế Nội Bài, giúp du khách nước ngoài tiện đường đi thành phố.

Các doanh nghiệp Nhật xem đây là cơ hội để chứng minh chuyên môn của mình trong việc xây dựng trạm metro và khu vực xung quanh metro, kỳ vọng nhờ đó giành được thêm đơn đặt hàng từ các nước khác. Đông Nam Á đang phát triển đô thị và đường sắt mạnh mẽ. Mối quan tâm dành cho các thành phố thông minh là rất lớn. Đơn cử, chính quyền và doanh nghiệp Singapore đang tham gia phát triển nhiều thành phố thông minh ở Malaysia.

Các công ty Nhật Bản đã tham gia vào một số dự án phát triển đô thị trong khu vực. Mitsubishi Corp. đã hợp tác với doanh nghiệp địa phương trong dự án trị giá 2.300 tỉ yen Nhật ở Indonesia. Song dự án ở Việt Nam là dự án đầu tiên thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn đến thế.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên