Có đường, “lên đời”

Cập nhật 13/07/2010 15:40


Nhà cửa, hàng quán mọc lên tại An Lạc Thôn (Sóc Trăng).
Nhiều vùng nông thôn ở Sóc Trăng, Hậu Giang đang nhộn nhịp hẳn lên khi một tuyến quốc lộ (QL) dù chưa hoàn thành, nhưng đã trở thành cung đường nối nhịp giao thương.

Đó là QL Nam sông Hậu khởi đầu từ điểm nối với QL 91B tại TP.Cần Thơ, chạy qua địa phận các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu với chiều dài toàn tuyến trên 165km.

Khởi công năm 2005, tới nay QL Nam sông Hậu sắp hoàn thành đã mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho không chỉ cư dân vùng nông thôn có tuyến QL này chạy qua...

Quán xá mọc lên, giá đất “nóng”


Quán càphê Phương Mai cách trụ sở UBND xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) không xa. Ngoài quán càphê, trên miếng đất cặp QL Nam sông Hậu chỉ dài 30m ngang này còn có tiệm sửa xe, quầy bán đồ ăn sáng, cơ sở đại lý nước ngọt, biển giới thiệu dịch vụ du lịch. Khi chưa có QL Nam sông Hậu chạy qua, đây là diện tích vườn, mà theo ông chủ quán càphê Phương Mai: “Cho cất nhà cũng cũng chẳng ai thèm cất!”.

Quả vậy, chẳng ai đi cất một căn nhà lọt thỏm giữa vườn cây ăn trái um tùm, họa chăng là chủ vườn cất chòi canh giữ trái cây. Ông chủ quán càphê Phương Mai còn cho biết, từ khi có đường Nam sông Hậu, miếng vườn lọt thỏm giữa heo hút của ông có được 80m ngang mặt tiền, nhưng mới khai thác các dịch vụ kinh doanh trên 30m.

Tại một số huyện ở Sóc Trăng như Kế Sách, Long Phú, không ít ông chủ vườn đã... kiêm thêm ông chủ quán khi đất vườn trở thành đất mặt tiền cặp QL Nam sông Hậu.

Không chỉ địa bàn xã Nhơn Mỹ, mà trên toàn tuyến QL Nam sông Hậu qua địa bàn các xã thuộc huyện Kế Sách (Sóc Trăng), huyện Châu Thành A (Hậu Giang), nhà mới, quán xá, cây xăng... đang hối hả mọc lên. Thời điểm này, đi từ TP.Cần Thơ tới xã Nhơn Mỹ, người đi đường sẽ bắt gặp không ít các công trình xây dựng nhà đang thi công. Mặt sân gạch, cát, đá ngổn ngang.

Ông Huỳnh Quốc Thống - Chủ tịch UBND xã Nhơn Mỹ - cho biết, từ khi có đường Nam sông Hậu, người dân trong xã và kể cả từ các địa phương khác đến mở ra nhiều dịch vụ. Bên cạnh quán càphê đã có mấy cây xăng, rồi cửa hàng vật tư xây dựng, đại lý vật tư nông nghiệp, vựa trái cây... Xa hơn, trên địa bàn xã Song Phụng (huyện Long Phú, Sóc Trăng) cũng đã có 5 doanh nghiệp mở cơ sở cặp theo QL Nam sông Hậu.


QL Nam sông Hậu đoạn qua huyện Châu Thành A.

Theo người dân ở huyện Kế Sách, trước khi có QL Nam sông Hậu, 1.000m2 vườn cây ăn trái giá chỉ vài ba cây vàng. Việc chuyển nhượng chủ yếu diễn ra giữa nông dân với nhau. Ấy nhưng, hiện nay đất cặp theo QL này đang được mua - bán tính theo mét ngang với giá từ 2 -3 cây vàng/mét ngang. Tính ra, 1 công đất vườn giá từ 2 - 3 lượng vàng hiện đã vọt lên 5 - 10 lượng vàng (tùy vị trí). Người đổ xuống Sóc Trăng, Hậu Giang tìm hiểu, dò hỏi mua đất dọc theo QL Nam sông Hậu có cả cư dân TP.Cần Thơ. Tuy nhiên, với QL Nam sông Hậu, cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm của nhà vườn cũng không nhỏ, nên chuyện cò kè ngã giá mua đất ở đây cũng không dễ.

Trái cây ra chợ gần hơn

Không ít xã ở Sóc Trăng, Hậu Giang mà QL Nam sông Hậu chạy qua là những địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn. Ông Hồ Văn Thuấn - Chủ tịch HĐND xã Phú Hữu A (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) - cho biết: Là xã nông nghiệp, nhưng Phú Hữu A gần như không trồng lúa, trong khi diện tích trồng cây ăn trái lên đến trên 800ha.

Trước đây, nông dân tiêu thụ trái cây (bưởi, cam, xoài...) muốn đưa ra Cần Thơ phải vận chuyển qua đoạn đường khoảng 30km. Nay có đường Nam sông Hậu, không phải đi vòng qua xã Phú Hữu, thị trấn Ngã Sáu, đoạn đường ra Cần Thơ rút ngắn chỉ còn khoảng 13km nên rất thuận lợi.

Đó cũng là thuận lợi đối với nông dân các huyện Kế Sách, Long Phú - các địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn ở Sóc Trăng. Nhiều nhà vườn ở Nhơn Mỹ (Kế Sách), Song Phụng (Long Phú) cho biết, trước đây trái cây tiêu thụ chủ yếu bằng đường sông; kể cả nhà vườn tự chở đi bán hay thương lái vào mua. Đường xa, đi lại vất vả, tỉ lệ hao hụt cao nên thương lái mua giá thấp để... trừ vào các khoản chi phí này.

Còn theo một thương lái ở Cần Thơ thường vào miệt này mua trái cây, đi ghe mua còn lệ thuộc vào con nước, khi nước ròng thì ghe tải trọng lớn không vô được, rất bất tiện. Từ khi có đường Nam sông Hậu, nông dân thu hoạch trái cây mang ra hai bên lề đường, thương lái sử dụng xe tải thu mua nên thuận lợi cho cả 2 bên.

Không chỉ vậy, tuy chưa có con số thống kê, nhưng QL Nam sông Hậu thuộc địa bàn huyện Kế Sách đã có 2 vựa thu mua trái cây mọc lên. Còn theo UBND xã Song Phụng (huyện Long Phú), một doanh nghiệp ở Vĩnh Long đã về xã mở vựa thu mua trái cây. Một chủ vựa nữa cũng sắp đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Song Phụng - nhận định, từ khi đường Nam sông Hậu hình thành, cơ hội giao thương mở ra rất rõ. Trên 800ha trái cây của nhà vườn ở đây nhờ mua bán thuận lợi, có giá hơn trước nên giá trị vườn cây tăng khoảng 15 - 20%. Một nguồn tin cho hay, huyện Kế Sách đang có kế hoạch xây dựng một chợ đầu mối trái cây tại khu vực này. Có thể nói, với cư dân vùng nông thôn lâu nay muốn bán sản phẩm do mình làm ra phải... lên ghe hoặc lam lũ làm vườn, trồng lúa chứ không thể mở thêm dịch vụ gì, thì QL Nam sông Hậu hình thành đúng là có đường “lên đời”!

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động