Có đủ tiền vẫn đi thuê nhà

Cập nhật 15/07/2014 14:59

Hơn 2 tháng kể từ thời điểm xảy ra diễn biến bất thường tại khu vực biển Đông, tình hình vận hành thị trường BĐS trong nước vẫn cơ bản theo đúng chiều hướng tích cực. Bên cạnh nhận định “tươi sáng” của một số đơn vị tư vấn ngoại về giá lẫn mức hấp thụ căn hộ để bán ở Hà Nội quý II vừa qua, nhiều cá nhân, sàn giao dịch môi giới khẳng định sức cầu thuê BĐS đang tăng “đột biến”.

Hình thức thuê và sang nhượng xuất hiện ngày càng rõ ở một bộ phận khách hàng có thu nhập từ trung bình khá trở lên ở Hà Nội. Lý giải điều này, bà Hoàng Anh, PGĐ kinh doanh Sàn giao dịch BĐS T.H (Q.Hai Bà Trưng) dẫn ra thực tế trong quá trình tư vấn, môi giới từ giữa tháng 5 đến nay.

Tiếp tục thuê và sang nhượng

Bất cứ ai quan tâm tới nhà đất, hoặc đang chuẩn bị có kế hoạch đầu tư, mua nhà để ở tại Thủ đô đều được cập nhật thông tin: BĐS đang nhúc nhích, giá trị địa ốc dần trở về đúng bản chất cũng như cơ hội mua nhà Hà Nội đang lộ rõ vì “hàng nhiều, nhà băng cho vay dễ dàng hơn trước”.

Bức tranh tươi tắn đó còn được điểm thêm một số thông tin mang màu sắc ngầm “thúc” khách hàng mau chóng tiến hành giao dịch. Theo Savills Việt Nam, trong quý II/2014, giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng 4%, tổng nguồn cung căn hộ để bán đạt 95.800 căn từ 162 dự án đã bán hết và 67 dự án đang mở bán. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường ở mức 14%, tăng 5% theo quý.

Nhưng theo bà Hoàng Anh, cũng như một số “đồng nghiệp” khác ở khu vực Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, những giao dịch cho thuê (để ở hoặc làm văn phòng) mới là “nguồn dinh dưỡng” chủ yếu của hoạt động tư vấn.

Theo đó, nhận định trên không phủ nhận tốc độ thanh khoản đáng kỳ vọng (so với thời gian trước 2014) của lĩnh vực mua - bán BĐS được thể hiện ở một số dự án “cháy hàng” tới mức phải “bán chênh suất” từ quý I đến nay.

“Tỷ lệ, giá trị giao dịch mua bán lên cao, nhưng xét tương quan với mảng cho thuê thì… không ăn thua”, ông Cao An, lãnh đạo một sàn giao dịch chuyên mảng cho thuê ở Nam Từ Liêm khẳng định. Vị này phân tích, một căn hộ, hoặc một sàn (gồm nhiều căn) ở VP6 Linh Đàm có thể được khách “chen” nhau hỏi mua. Nhưng trái lại, nhiều dự án cùng loại vẫn ế chỏng chơ, đơn giản vì chủ đầu tư chưa có thương hiệu hoặc từng dính “phốt”.

Nhiều cá nhân, sàn giao dịch môi giới khẳng định sức cầu thuê BĐS đang tăng “đột biến”

Những mặt hàng cho người thu nhập thấp lựa chọn ở Thủ đô vẫn chưa nhiều (chung cư giá rẻ) nên việc đi thuê trọ đương nhiên tiếp tục diễn ra. Ngoài ra, với phân khúc khách hàng có thu nhập tốt và muốn mua nhà để ở (tiềm năng), nhiều người trong số họ đang nghiêng về phương án thuê trọ.

Thậm chí, với những chủ nhân 2 - 3 BĐS nhà ở, nhu cầu bán - chuyển nhượng nhanh gia tăng đáng kể 2 tháng qua. Khi được hỏi, nhiều gia chủ - nhà đầu cơ sừng sỏ không khỏi lo ngại mất ổn định thị trường do diễn tiến ngoài biển Đông.

Ông Giang, chủ 3 căn hộ chung cư thuộc hàng cao cấp tại quận Đống Đa và Tây Hồ, chia sẻ: Muốn bán bớt BĐS để tập trung chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh an toàn hơn nhưng gian nan quá, vì thời gian này rất ít người sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đồng để mua BĐS cao cấp ở Thủ đô.

Đủ tiền mua, vẫn đi ở trọ

Điều này tập trung ở đối tượng có khả năng tài chính dư dả (chủ động, không phải đi vay từ các nguồn) và nhu cầu bức thiết về nhà ở. Đây thường là những cá nhân làm việc ở cả cơ quan hành chính sự nghiệp lẫn DN tư nhân nhưng lại có mức thu nhập tốt so với mặt bằng chung, cộng thêm các khoản phụ thu nhờ lợi nhuận đầu tư từ chứng khoán, mở công ty riêng.

Cụ thể, các cặp vợ chồng trẻ thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Hà Nội. Hầu hết họ đều từng có “thâm niên” ở trọ ít nhất 2 - 5 năm ở Thủ đô, sau một thời gian tích góp đã đủ tầm tiền để mua chung cư thương mại trung cấp.

Cụ thể, với những sản phẩm căn hộ có mức giá 18 - 22 triệu đồng xuất hiện ngày càng nhiều từ đầu quý II đến nay, các đối tượng trên hoàn toàn có thể tự sắm cho mình căn chung cư 90m2 trị giá khoảng 2 tỷ đồng (trả trước 30 - 40% giá trị hợp đồng).

Nhưng theo ghi nhận ở một số sàn chuyên phân phối hàng dự án, nhiều thượng đế kiểu này chỉ tới xem và có người còn chấp nhận phạt “cọc” để chuyển hướng giao dịch.

Anh Nam, nhân viên một Công ty Kiểm toán, giải thích rất khoa học (!) cho quyết định rút lại bản hợp đồng đặt mua căn hộ tại Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hai Bà Trưng) cách đây gần 1 tháng. “Đặt cọc hơn 50 triệu đồng cho căn hộ dự án, chuẩn bị ký hợp đồng giao dịch thì tôi được một người bạn làm trong ngành phân tích rủi ro kinh tế chứng minh phương án xuống tiền mua nhà lúc này là chưa an toàn.”

Cũng như vậy, gia đình chị Hồng (đi trọ 3 năm nay) tỏ ra e dè trước nhiều lời chào mời có cánh của đội ngũ trung gian về căn hộ thương mại giá bình dân. Với 200 - 300 triệu đồng tiền “tươi”, cộng thêm khoản tiền phải trả lãi vay hàng tháng (phương án mua căn hộ phổ biến hiện nay), chờ đợi ít nhất 6 tháng - 1 năm mới hy vọng được bàn giao. Vợ chồng chị đã quyết định gửi tiết kiệm 300 triệu đồng và tiếp tục thuê căn hộ 100m2, 2 phòng ngủ tại quận Thanh Xuân.

Tình trạng trên chứng minh nhận định của đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Trước ngày 1/5, luồng tiền trong dân đã quay lại thị trường BĐS và hiện tượng giá chênh đã xuất hiện. Rất nhiều dự án trầm lắng và đứng yên rất lâu nay rục rịch khởi động lại.

Tuy nhiên, cùng với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan và gây hấn trên biển Đông, thị trường chứng khoán suy giảm cộng với tâm lý phòng thủ của người dân, tiền vẫn còn đó nhưng không mua nữa thì ngay lập tức, thị trường BĐS lại gặp khó khăn.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh