Nhiều thông tin cho rằng có chuyện xảy ra với cổ đông lớn là do ông Trầm Bê. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc BCI khẳng định việc thoái vốn là do chiến lược của các cổ đông lớn
Liên tục những ngày gần đây, các cổ đông lớn đã thông báo hoàn thành việc thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI). Nguyên nhân được các nhà đầu tư cho rằng là do hoạt động của BCI đi xuống, đồng thời có nguyên nhân từ cổ đông sáng lập là ông Trầm Bê.
Ồ ạt bán cổ phiếu
Theo báo cáo từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, Tổng Công ty Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) vừa hoàn tất bán toàn bộ 24,19 triệu cổ phiếu BCI, tương ứng gần 28% vốn, thu về trên 400 tỉ đồng. Liền sau đó, BCI công bố bổ nhiệm ông Trần Ngọc Henri giữ chức Chủ tịch HĐQT sau khi ông Nguyễn Văn Lệ (đại diện vốn cho HFIC) từ nhiệm. Trước đó, ông Trần Ngọc Henri là Phó Chủ tịch HĐQT của BCI. Tính đến hết tháng 6, số lượng cổ phiếu mà ông Henri nắm giữ tại BCI là gần 5,8 triệu cổ phiếu (tương đương 6,67% vốn điều lệ).
Ngoài HFIC, Quỹ Đầu tư Red River Holding cũng vừa bán toàn bộ gần 3,6 triệu cổ phiếu và hoàn tất việc thoái vốn tại BCI. Bên cạnh đó, thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam công bố cho thấy Quỹ Vietnam Infrastruscture Strategic Ltd cũng đã chuyển nhượng gần 2 triệu cổ phiếu của BCI cho một quỹ khác là Forum One - VCG Partners. Như vậy, một trong những cổ đông lớn lâu năm còn lại của BCI là ông Trầm Bê và gia đình, tổ chức mà ông Trầm Bê chi phối giữ khoảng 16%.
Dự án chung cư Nhất Lan 3 của BCI đã bàn giao cho khách hàng hơn 1 năm dù chưa được cho phép hoàn công
|
Nhiều thông tin cho rằng có chuyện xảy ra với cổ đông lớn là do ông Trầm Bê. Thực tế ông Trầm Bê đang trực tiếp nắm giữ khoảng 3,1% cổ phiếu tại BCI, số còn lại là do gia đình và tổ chức mà ông làm đại diện là khoảng 16%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thụy Nhân, Tổng Giám đốc BCI, khẳng định ông Trầm Bê không can thiệp quá sâu vào công ty hay làm ảnh hưởng đến các cổ đông khác khiến các cổ đông phải thoái vốn, việc thoái vốn là do chiến lược của các cổ đông lớn mà thôi.
Trong khi đó, sau khi các cổ đông lớn thoái vốn thì giá cổ phiếu BCI lại tăng từ 1.000 đồng lên gần 20.000 đồng. Nhiều nhà đầu tư cũng như một số công ty chứng khoán cho rằng việc “thay máu” này có thể đem lại tích cực cho BCI. Tuy nhiên theo ông Nhân, hiện ông cũng chỉ biết có đối tác nước ngoài tham gia mua cổ phiếu của BCI chứ họ hoàn toàn chưa “xuất hiện” hay có cuộc đàm phán nào vì họ mua toàn bộ qua sàn chứng khoán.
Bán vì thấy BCI đi xuống?
Đại diện của một đơn vị đã thoái vốn tại BCI cho rằng họ đã nhận thấy có nhiều điểm ở BCI không còn phù hợp. Đặc biệt là hoạt động kinh doanh vì nhìn vào kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán thì thấy BCI có những bước thụt lùi, điển hình là lượng tiền mặt vài ba năm qua sụt giảm mạnh nhưng nợ không giảm. Trong khi đó, dự án có nhiều nhưng để triển khai được thì phải đầu tư thêm rất nhiều tiền vì thực tế đang ở tình trạng “da beo”.
Cụ thể, theo kết quả BCI công bố mới đây, doanh thu quý I chỉ đạt 22,5 tỉ đồng (giảm 70% so cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế giảm 54% (với con số chưa được 10 tỉ đồng). Ngoài ra, hàng tồn kho trên 2.132 tỉ đồng. Đáng lưu ý là khoản nợ phải trả lại trên 1.456 tỉ đồng (nợ ngắn hạn 336 tỉ đồng và dài hạn trên 1.120 tỉ đồng).
Điều đáng nói, theo vị này, năm 2014 thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt như những năm trước thì BCI lại phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông. Mới đây, BCI cũng đã niêm yết thêm gần 14,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2013 và năm 2014 cho cổ đông hiện hữu, nâng tổng số chứng khoán sau niêm yết lên 86,7 triệu cổ phiếu.
Chưa kể vừa qua, Sở Xây dựng TP HCM đã kết luận về việc kiểm tra công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án của BIC. Theo đó, BCI có nhiều sai phạm, cụ thể như đầu tư không đồng bộ, không đúng tiêu chuẩn, không phù hợp quy hoạch được duyệt. Trong số hơn 20 dự án BCI đang làm chủ đầu tư thì nhiều dự án chưa hoàn tất công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng; chưa hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, chưa đầu tư công viên…
Chủ của 24 dự án
BCI thành lập từ năm 1995, trực thuộc UBND huyện Bình Chánh, TP HCM; hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh nhà ở, đất ở, xây dựng nhà các loại, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng; vốn điều lệ hiện nay sau khi phát hành thêm cổ phiếu, chia cổ tức cho cổ đông là trên 867 tỉ đồng. Hiện BCI đang là chủ đầu tư của 24 dự án với tổng diện tích đất được giao gần 4 triệu m2, tổng mức đầu tư 2.773 tỉ đồng với hơn 22.000 nền nhà và căn hộ. Tại đại hội cổ đông vừa qua, BCI cho biết sẽ tập trung vào nhà thấp tầng, chung cư, KCN, bất động sản thương mại và đầu tư có chọn lọc nhà ở xã hội vùng ven TP và đặt kế hoạch doanh thu 381 tỉ đồng, tăng 32% so thực hiện năm 2014, lãi sau thuế 120 tỉ đồng và chia cổ tức 10%.
DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ