Các văn phòng nhà đất đang lâm vào cảnh chợ chiều - Ảnh: Ngọc Thắng |
Các văn phòng nhà đất mọc lên như nấm trong cơn sốt đất ở khu vực phía tây thành phố Hà Nội hiện đang lâm vào cảnh chợ chiều khi thị trường bắt đầu nguội lạnh.
Sau một thời gian tăng chóng mặt, thị trường đất đai tại khu vực phía tây thành phố đã có dấu hiệu chững lại. Theo khảo sát của chúng tôi, tại những “điểm nóng” trên địa bàn Hà Đông, các huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Ba Vì... lượng người tìm về mua đất thưa dần, giao dịch gần như đóng băng, giá đứng hoặc bắt đầu giảm.
Ông Nguyễn Trung Hà - Giám đốc Công ty Bất động sản Hòa Phát cho biết, cách đây vài tuần lễ, giá đất vườn, đất thổ cư, đất nông nghiệp... liên tục tăng, trung bình 40 - 60%, một số điểm còn tăng cao hơn. Tuy nhiên, việc các cơ quan quản lý nhà nước lên tiếng cảnh báo về cơn sốt ảo, các chiêu làm giá của giới đầu cơ, cộng với thông tin chính thức về quy hoạch thủ đô được công bố đã khiến thị trường hạ nhiệt.
Chạy xe đến những “điểm nóng” trên địa bàn, chúng tôi gặp những quán sửa xe, bán hàng ăn, bán trà đá treo biển hiệu trung tâm, văn phòng giao dịch nhà đất giờ trống trơ. Một số “văn phòng” đóng im ỉm, chúng tôi gõ cửa ít nhất 3 “văn phòng” như thế nhưng không có ai ra tiếp.
Một người tên T. ở An Khánh (Hoài Đức) cho biết: “Chủ các văn phòng ấy đều là những “tay ngang”, thấy giá đất lên vù vù, thấy người người tìm về mua đất nên kêu thợ làm cho cái biển treo lên, rồi chỉ chỉ trỏ trỏ để kiếm tiền “bo” từ cả người bán lẫn kẻ mua”. Ông T. cũng là một lão nông mới môi giới đất đai được ít lâu, lấy nhà mình làm “văn phòng”.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thị trường bất động sản tại khu vực đang xem xét quy hoạch Hà Nội, giao dịch tại khu vực này chủ yếu là mua đi bán lại gữa những người đầu cơ với nhau. Có những mảnh đất chỉ trong thời gian ngắn đã được mua đi bán lại nhiều lần, có tình trạng làm giá, tung tin đồn, tạo giao dịch ảo để đẩy giá bất động sản lên quá cao. |
Biết tôi định mua đất đầu tư, ông T. nói: “Chú hơi muộn rồi đấy. Mấy hôm trước, có khi đang chồng tiền cọc, có người trả cao hơn, nhiều chủ đất chịu phạt để đánh tháo. Giờ thì khó hơn nhưng vẫn kiếm được. Chú cứ mua đi, mua xong, tôi tìm khách bán lại cho”.
Rồi ông tiếp thị: “Sáng giờ tôi đã dẫn cả chục khách đi thăm đất rồi, không nhanh sẽ mất cơ hội”. Thi thoảng, ông rút điện thoại ra: “Đám đất 70m2 nhà bà H., mảnh đất nhà ông K. đã có khách mua chưa? Có mấy đám hay đấy. Đang có khách mua ở đây này, đến nhanh tôi dẫn đi kẻo hết”.
Sau một hồi làm hàng với khách, ông dẫn tôi đi xem đất bằng cách đèo tôi tới một... “văn phòng nhà đất” khác gần đó. Chị "cò" ngoài 35 tuổi tên H., chủ của văn phòng nhà đất này nói thẳng: “Chỉ còn 2 mảnh đất trồng lúa. Nếu mua chị dẫn đi xem, ưng thì đặt cọc ngay kẻo người khác đặt trước là chú mất đấy. Tôi vừa ngồi ôtô của khách, dẫn họ đi xem mới về đến đây”.
Chị này dẫn tôi ra một đám ruộng lúa vừa gặt, còn trơ lại những gốc rạ tươi nguyên, nói: “77 mét, giá 8,5 triệu đồng/m2. Nếu mua thì chú là người chủ thứ... 6 của mảnh đất này đấy. Nhưng nói thật, giờ mua dễ hơn trước, người ta không còn “hét” giá trên trời nữa”.
Đưa tôi rời “văn phòng” của chị H., ông T. lấy số điện thoại của tôi và ghi vào cuốn sổ nhỏ. Trong trang giấy ghi tên khách hàng ngày hôm ấy chỉ có duy nhất tên tôi mặc dù lúc đó trời đã gần tối...
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên