“Cò” đất nghĩa trang: Từ xe ôm tậu nhà lầu, xe hơi

Cập nhật 09/04/2012 13:10

Từ những anh chạy xe ôm, bán nước lề đường, nhiều “cò” đất nghĩa trang đã giàu lên nhanh chóng, tậu được cả nhà lầu, xe hơi.

Loạn giá vì “cò”


Dừng xe, ngồi uống nước tại một quán trà đá vỉa hè ngay gần cổng nghĩa trang Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội, chúng tôi được một chị chủ quán tên Vy đon đả mời nước và chào hàng: “Em đi mua đất nghĩa trang à? Chị nhiều mối lắm, cần thì chị chỉ cho”.

Chưa để khách hết ngạc nhiên vì sao chủ quán lại biết mình cần đi mua đất nghĩa trang, chị Vy liền tiếp lời: “Chị nhìn là biết ngay, khách ngồi uống nước ở quán chị toàn người đi tìm mua đất cho người quá cố thôi. Chứ ở đây đường vừa bẩn, vừa bụi, lại gần nghĩa trang, ai rảnh rồi mà ngồi uống nước”.

Thấy chúng tôi gật gật tỏ ý đồng tình, chị Vy cho biết, đất ở nghĩa trang Xuân Đỉnh bán theo suất, chứ không theo m2, theo đó mỗi suất tầm 3m2 có giá khoảng 50 triệu đồng. Nếu mua đất cải táng từ mộ cũ chuẩn bị hoặc đã di dời thì giá rẻ hơn, tầm 30 triệu đồng/suất.

“Giá đấy là giá trung bình. Còn giá cụ thể tùy thuộc vào từng suất mộ, nếu mộ hướng đẹp (hướng đông nam) thì giá tầm 80 – 90 triệu đồng/suất. Hoặc mộ nằm sát đường sẽ đắt hơn mộ nằm ở giữa tầm 10 triệu đồng/suất”, chị Vy cho biết.


Cò đất nghĩa trang ăn nên làm ra

Ngoài ra, với những suất đã đào và xây hố sẵn thì sẽ đắt hơn khoảng 1 triệu đồng/suất. Nếu suất chưa đào hoặc đào nông, thì khách vừa mất công thuê người đào, vừa mất công lại bị tính giá cao. Thông thường, thuê người đào mất từ 1,5 – 2 triệu đồng/suất.

Theo chị Vy, do có người quen làm ở nghĩa trang, nên hiện chị có khoảng 40 suất trong tay, đây toàn là các suất có vị trí đẹp và giá cả phải chăng, từ 30 – 90 triệu đồng/suất.

“Chị có người quen nên mua được suất giá gốc, vì thế, giá để lại cho bọn em mới rẻ như vậy. Em thử đi khảo giá của mấy ông xe ôm ở đầu cổng nghĩa trang xem, không bao giờ có giá bèo như chị”, chị Vy cho biết.

Thấy khách ngần ngại, chị Vy cho biết, hầu hết các suất của chị đều đã bán hết, giờ cũng chỉ còn vài suất thôi. “Nếu em không mua nhanh, mai ngày kia có khi cũng không còn để bán. Thấy em hiền lành, chị mới mách cho mối rẻ mà mua, chứ nhiều người chị không nói đâu. Đất mồ mả còn là vấn đề tâm linh, nên ai dám bán đắt và kinh doanh. Em mua hay không cũng không quan trọng. Nếu cần chị vẫn tư vấn”, chị Vy vừa nói vừa đon đả rót nước mời khách.

Rời quán chị Vy, chúng tôi tìm gặp anh Sắn, một lái xe ôm ở khu vực nghĩa trang Xuân Đỉnh. Vừa thấy khách hỏi tìm mua đất, anh Sắn liền cho biết, các suất đất tại nghĩa trang này đều đã được bán hết rồi, hơn nữa, đất ở đây chỉ dành cho người địa phương, không nhận người ngoài. Tuy nhiên, nếu khách cần thì anh Sắn vẫn cố xoay sở được một suất để “giúp đỡ”. Nhưng giá sẽ cao hơn bình thường.

“Giờ nghĩa trang nào cũng quá tải, chị cứ vào nội thành mà xem, làm gì còn đất trống mà chôn người quá cố. Đất ở đây cũng khó mua lắm. Nhưng nếu chị cần, tôi vẫn giúp được. Nhà tôi có mấy suất ở đó, nhưng chưa dùng ngay, nên thấy ai cần thì cũng đều giúp cả”, anh Sắn mời chào.

Cũng theo anh Sắn, giá các suất ở đây, dao động từ 70 – 120 triệu đồng. Mỗi suất ở đây có diện tích từ 3 – 4,5m2. Tùy theo hướng và vị trí sẽ có mức giá khác nhau.

Cùng đất tại một nghĩa trang, nhưng qua các “cò”, giá đã được đẩy lên các mức khác nhau. Cùng một ngôi mộ 3m2, hướng đông – nam, vị trí nằm sát đường, nhưng chị Vy đưa ra giá là 50 triệu đồng, còn anh Sắn thì giá lên đến 70 triệu đồng.

Trước khi ra về, anh Sắn không quên gọi với khách lại để xin số điện thoại và nhắn nhủ: “Chị về bàn kỹ với gia đình đi nhé, nếu được thì đặt chỗ sớm nhé”.

Ăn nên làm ra

Tuy không thể đạt được mức siêu lợi nhuận như những “cò” bất động sản, nhưng những “cò” đất nghĩa trang lại luôn là những người “ăn chắc mặc bền”.

Nếu “cò” bất động sản kiếm được hàng trăm triệu đồng từ một vụ mua bán thành công, thì “cò” đất nghĩa trang lại chỉ kiếm được vài trục triệu đồng từ mỗi vụ như vậy. Tuy lời ít, nhưng nếu biết “năng nhặt chặt bị” thì thu nhập của các “cò” đất nghĩa trang cũng thật đáng nể.

Ngỏ lời muốn làm thêm nghề tay trái để có thêm thu nhập, chúng tôi được một người bạn là “cò” đất nghĩa trang tiết lộ: “Làm nghề này chỉ cần có mối với người quản lý nghĩa trang và chịu chi đẹp một chút là có vài chục suất “ngoại giao” ngay. Các suất này chỉ cần nộp trước khoảng 10% để nhận chỗ, sau đó bán được thì sẽ trả nốt phần còn lại. Riêng khoản chi cho người quản lý thì khá cao, khoảng 10% giá trị. Nhưng yên tâm là mình vẫn có lời. Nếu chào khéo thì lời còn cao nữa”.

Thấy chúng tôi chưa hiểu, anh này tiếp: “Ví dụ như một suất bán tầm 50 triệu, nhưng giá gốc chỉ khoảng 15 – 20 triệu/suất. Chi 10% cho người quản lý, tức là khoảng 5 triệu đồng. Như vậy, lời có thể là 50%”.

Cũng theo “cò” đất này, tuy lời không cao, nhưng lại dễ bán hơn hẳn bất động sản cho người dương, vì giá trị của mỗi ngôi mộ này không quá lớn, nên tìm người mua dễ hơn. Tháng nào đắt khách, bán được tầm dăm bảy cái, thì lời cũng hàng trăm triệu đồng.

Hơn nữa, làm nghề này không cần vốn lớn và không nhiều rủi ro. Vào thời điểm hiện nay, khi nhiều “cò” bất động sản đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ vì nhà không bán được, trong khi lãi mẹ đẻ lãi con, nợ nần chồng chất. Thì thị trường đất cho người âm vẫn “sốt” nóng vì quỹ đất nghĩa trang ngày càng thu hẹp lại.

Chính vì vậy, các “cò” đất nghĩa trang vẫn ăn nên làm ra. Các suất đất nghĩa trang giá vẫn tăng và lượng cầu vẫn rất lớn.

Dẫn chứng cho việc “ăn nên làm ra” của mình, anh “cò” bạn tôi kể, trước nhà anh mở quán ăn cách nghĩa trang Láng Hạ khoảng nửa km, thấy nhiều khách là đến ăn than vãn vì muốn tìm một khu đất xây mộ cho người thân mà khó quá. Nên anh bắt đầu mầy mò, tìm kiếm các mối quen biết để mua một số suất giá gốc.

Từ đó, mỗi tháng anh bán được 1 vài suất, kiếm lời tới vài chục triệu đồng. Dần dà, có mối và có khách hàng quen, mỗi tháng anh bán được cả chục suất, tiền lãi lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chỉ vào chiếc xế hộp màu bạc đỗ ở lề đường đối diện quán cà phê, anh cười “Tuy không là đại gia, nhưng tôi cũng được đi xe xịn, mua được 2 căn nhà ở Hà Nội và 1 cái trang trại ở Hòa Bình. Làm nghề này vừa là nghề để kiếm tiền nhưng cũng là để giúp đỡ người khác, nên dù bán được hay không thì cũng phải luôn vui vẻ, không được cay cú, khó chịu”.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News