"Cò" đất bị... chơi khăm

Cập nhật 31/10/2008 10:00

Khách mua nhà bị người môi giới hay còn gọi là "cò" ăn chặn đã trở thành chuyện... xưa như trái đất. Nhưng cò nhà đất, trong giai đoạn mới vào nghề cũng lận đận trăm đường khi gặp phải những khách hàng "chơi" không đẹp.

Trong nghề môi giới, "cò" nhà đất cũng có muôn hình vạn trạng. Họ là những người làm tư vấn nhỏ lẻ giới thiệu nhà cho sinh viên thuê đến những mối làm ăn lớn như mua bán, tư vấn, làm giấy tờ cho những căn nhà, biệt thự, dự án hàng chục tỷ.

Thông thường, chủ nhà thích bán giá cao, khách muốn mua giá rẻ nhưng không ai "can tâm" mất một khoản quá lớn cho môi giới. Nên khách và chủ móc câu với nhau để giảm tiền môi giới, chia đôi lợi nhuận là chuyện "thường ngày ở bất động sản".

Anh Bảo Lâm, một "cò" tại đường Nguyễn Khang kể lại vụ làm ăn đáng nhớ của mình. Sau khi dẫn khách xem căn hộ chung cư tại khu đô thị Yên Hòa diện tích 90 m2 với giá 17,5 triệu mỗi m2, nhẩm sơ sơ anh Lâm tính chi phí dịch vụ cũng lên tới vài chục triệu.

Sau khi xem xét chán chê, khách hàng lắc đầu ngỏ ý không mua vì hướng nhà không hợp tuổi. Tuần sau, dẫn khách khác vào, anh Lâm ngớ người vì thấy căn hộ bán rồi. Dò la ra mới biết khách và chủ nhà đã móc nối để đỡ mất phí hoa hồng.

Theo anh Lâm, hợp đồng ghi rõ, nếu giao dịch thành công, người mua sẽ phải chịu chi phí nhất định. Nhưng dù đã ưng ý, khách hàng vẫn đưa ra lý do để giao dịch bất thành. Sau đó mới nhờ người quen mua hộ, xong hết thủ tục khách mới đến ở. "Biết là mình bị chơi xỏ nhưng không làm gì được. Thôi thì đành coi như bài học xương máu trong nghề", anh Lâm chia sẻ.

Không mất trắng như anh Lâm, anh Hải Nam nhân viên môi giới của một công ty địa ốc nổi tiếng, cũng bị một "vố" nhớ đời. Nhờ các mối quan hệ, anh quen được người có suất mua căn hộ chung cư cao cấp ở tòa nhà hỗn hợp Sông Đà.

Giao bán cho người quen, nên anh chủ quan không làm hợp đồng môi giới mà chỉ thỏa thuận lời. Hợp đồng mua bán ký xong, thỏa thuận đã đâu vào đấy, chỉ chờ chi phí dịch vụ là giao dịch thành công. Nhưng khách hàng quá rắn, ban đầu "cò kè bớt một thêm hai", sau là lần khất mãi, trơ không chịu trả hết đúng cam kết. Thế là một nửa phí giao dịch gần một năm trôi qua, anh vẫn không đòi được. Từ đó, anh chỉ biết bấm bụng "cạch" không dám môi giới cho người quen.

Thông thường, các môi giới thường móc xích với nhau để chia sẻ thông tin. Với giao dịch phải qua nhiều tầng môi giới, vai trò trung gian của các "cò" là ngang nhau và hoa hồng được chia đều cho từng người. Tuy nhiên, những môi giới cao tay có thể dò ra thông tin chủ nhà hoặc người mua để cắt bớt chi phí hoa hồng.

Nghiễm nhiên, các môi giới trung gian sẽ bị "nẫng tay trên". Theo anh Nguyễn Hải, người lâu năm trong nghề, những "cò" bị nẫng tay trên thường là những người mới vào nghề, kinh nghiệm chưa có, trao đổi và xử lý thông tin còn kém.

Để tránh tình trạng nợ khó đòi, nhiều nhà môi giới thường ghi thêm trong trách nhiệm hợp đồng phải hoàn tất các thủ tục như công chứng, sang tên sổ đỏ... Làm đến đâu, các môi giới yêu cầu chủ nhà "giải ngân đến đó" để giảm thiểu tối đa sự rủi ro.

Còn các công ty địa ốc, hoặc những "cò" có vốn đầu tư lớn thường tự bỏ tiền, mua lại các căn hộ do chính chủ đầu tư rao bán. Sau đó, bán lại coi như đó là sản phẩm của mình. Tuy nhiên, điều này cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Bởi các trung tâm hay "cò" này phải có tiềm lực về tài chính hoặc có mối quan hệ rộng.

Trên thực tế, luôn có sự mâu thuẫn trong các doanh nghiệp bất động sản. Doanh nghiệp luôn lo nhà môi giới vượt mặt, làm ngoài, không nộp tiền phí về công ty. Theo giới kinh doanh, luật kinh doanh bất động sản đưa ra chế tài giao dịch qua sàn là cách hội tụ các nhà môi giới lại với nhau và dễ kiểm soát họ hơn.

Trong làng môi giới có những "luật" riêng. "Cò" làm ăn lừa đảo sẽ bị cô lập. Những thông tin cò này cung cấp sẽ không được tin cậy. Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó phòng kinh doanh, thuộc Xí nghiệp Đầu tư Kinh doanh Tư vấn nhà đất số 1 thì trong "làng" môi giới, đã xuất hiện sự cạnh tranh để hình thành đẳng cấp môi giới dù là chưa rõ ràng.

"Chính cò là chất xúc tác làm thị trường sôi động, giúp cung và cầu gặp nhau. Doanh nghiệp cần biết tuyển dụng những nhà môi giới có đẳng cấp sẽ phát huy tối đa nội lực", ông Hưng bày tỏ.

Ông Nguyễn Vũ Huy, Giám đốc Công ty Tư vấn Sông Đà Sao cho rằng hợp đồng môi giới của ta còn chưa rõ ràng, làm ăn còn mang tính chất "rỉ tai" chụp giật.

Theo quan điểm của ông Huy, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, thống nhất đối với những trung tâm môi giới, sàn giao dịch bất động sản trên toàn quốc để các nhà môi giới có thể trao đổi nghiệp vụ cũng như giảm thiểu tối đa những rủi ro không đáng có khi giao dịch.

DiaOcOnline.vn - Theo Đô Thị