Có cơ chế, sẽ xây được nhà dưới 200 triệu đồng/căn

Cập nhật 01/03/2017 09:51

Tại hội thảo về phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ ở TPHCM, các doanh nghiệp cho rằng, dù khó vẫn có thể xây nhà có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, cần cơ chế và khung pháp lý để thực hiện. Ngoài ra, các khu nhà ở cần có tiện ích, nếu không nhà dạng nhỏ chỉ 20m2 có thể trở thành các khu ổ chuột. Còn Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, việc cắt giảm diện tích thì không gọi là giá rẻ. Và dù là nhà ở xã hội nhưng cư dân phải được hưởng tiện ích tốt nhất có thể.

Khu nhà ở giá thấp ở quận Bình Tân (TP.Hồ Chí Minh). Ảnh: BẢO CHƯƠNG

Nhà cho người thu nhập thấp - giá nào là phù hợp?

Theo Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), bên cạnh các KCN ở TPHCM đã có hệ thống hạ tầng giao thông và các tiện ích, dịch vụ cơ bản; có nền địa chất vững chắc; trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết có thể dành quỹ đất làm nhà ở xã hội như: Tại KCX Linh Trung I,II,III (326ha), Khu công nghệ cao (913ha), Công viên phần mềm Quang Trung (43ha), Đại học Quốc gia TPHCM (647ha)... Với quỹ đất nêu trên, HoREA cho rằng, thành phố có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2/căn có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, với số lượng khoảng 10.000 căn nhà này thì chỉ có thể giải quyết được khoảng 1% người có nhu cầu hiện nay.

Do đó, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA: “Để sớm xây dựng được nhà ở xã hội (NƠXH) có giá bán từ 100 - 200 triệu đồng/căn trên địa bàn TPHCM theo mô hình của tỉnh Bình Dương thì cần phải rút ra những bài học từ thực tiễn nhằm đáp ứng được nhu cầu NƠXH trước tốc độ tăng dân số cơ học của TP”.

Theo ý kiến của hầu hết các doanh nghiệp tại hội thảo (tổ chức ngày 27.2), mô hình của Bình Dương đưa ra giá nhà ở 100 triệu đồng là dựa trên quỹ đất ưu đãi và sẵn hạ tầng, từ đó kéo chi phí ban đầu xuống thấp. Trong khi đó tại TPHCM, hiện không có quỹ đất ưu đãi, chỉ riêng giá thành xây dựng đã lên đến 9 triệu đồng/m2, do vậy nhà ở giá 100 triệu là không thể. “Kể cả là nhà ở dạng nhỏ chỉ 20m2 thì cũng không thể bảo đảm mức giá thấp. Nếu làm không khéo, những khu nhà ở không có tiện ích, lụp xụp sẽ trở thành các khu ổ chuột” - đại diện một doanh nghiệp nói.

Ông Nguyễn Văn Đực - TGĐ Công ty Đất Lành đề xuất nhà ở giá khoảng 200-300 triệu đồng ở vùng ven là hợp lý hơn. “Còn nếu chính quyền đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật thì giá bán có thể kéo xuống 5 triệu đồng/m2, với diện tích 20-30m2 thì giá khoảng 100-150 triệu đồng như Bình Dương đã làm” - ông Đực đề xuất.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Quang - Chủ tịch HĐQT Cty Nam Long - cho biết, quy chuẩn xây dựng NƠXH cũng chưa rõ ràng, khung giá cũng chưa quy định. Cần sớm luật hóa việc phát triển nhà ở giá rẻ thì DN mới có khung pháp lý để thực hiện. Còn theo ông Lê Hữu Nghĩa - TGĐ Công ty Lê Thành - cho biết, để thực hiện được một dự án giá rẻ mất đến hơn 5 năm thủ tục, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp không còn. Và cần phải xây dựng được thị trường riêng biệt cho loại hình nhà ở này.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho rằng, việc giảm giá thành là phải dựa trên việc áp dụng các kỹ thuật mới, tính toán tiết chế giá thành ban đầu, chứ giảm diện tích thì còn gì là giá rẻ. Dù là nhà ở xã hội thì cư dân phải được hưởng tiện ích tốt nhất có thể. Nếu có quyết tâm làm thì cần tích hợp nhiều đơn vị liên quan, ví dụ như công ty ximăng cam kết hạ giá 300.000 đồng/tấn để làm nhà ở xã hội. “Tất cả các doanh nghiệp đồng lòng hạ giá, mức lãi phù hợp thì sẽ làm được. Sắt thép giảm bao nhiêu phần trăm, thiết bị vệ sinh giảm bao nhiêu... sẽ tính ra được một giá hợp lý. Điều này hoàn toàn hợp lý và vẫn có thể làm được” - Bí thư Đinh La Thăng gợi ý.

Xây dựng cơ chế mới, thu gọn thủ tục

Bí thư Đinh La Thăng tái khẳng định, làm nhà ở giá rẻ là quyết tâm lớn của thành phố. Tuy nhiên, không nên máy móc áp dụng cách làm của Bình Dương vì đặc thù khác nhau. Mục tiêu đến năm 2020 bình quân nhà ở đầu người ở TP là 19,8m2/ người, do vậy nhà ở phấn đấu từ 40 - 60m2 mới hợp lý, chứ như ở Bình Dương là chưa phù hợp. TP cầu thị lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp để tiếp thu, hoàn thiện thể chế chính sách.

“Chúng ta cũng sẽ hình thành thị trường nhà ở xã hội, có thể được chuyển nhượng tự do, chứ không nên bó buộc theo quy định sau 5 năm mới được bán. Làm sao bán nhà ở xã hội cho đúng đối tượng và người dân có quyền chuyển nhượng nếu có điều kiện đổi nhà khác lớn hơn, từ đó hình thành thị trường, mới có thể phát triển nhà ở xã hội được”- ông Thăng nói.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn cho biết, để làm nhà 100 triệu đồng cần phải có 3 điều kiện: Không mất chi phí về đất (giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất trong chi phí đầu tư); không tính chi phí đầu tư hạ tầng (vị trí dự án đã có sẵn hạ tầng) hoặc tính vào một dự án khác; diện tích nhà 25m2 (mỗi mét vuông giá 4 triệu đồng). Tuy nhiên, với diện tích 25m2 thì mật độ dân số sẽ dồn về khu đó rất cao, dẫn đến nhiều vấn đề không đảm bảo như nguồn điện, cây xanh, cơ sở hạ tầng… Về lâu dài lại phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng sự phát triển bền vững của TPHCM do đó không nên khuyến khích làm đại trà nhà 100 triệu đồng.

Để giải quyết vấn đề thủ tục hành chính kéo dài gây khó cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết đã giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối để giải quyết. Ngoài ra, TP sẽ có quỹ đất sẵn để doanh nghiệp phát triển dự án, chứ doanh nghiệp đền bù, giải tỏa… để làm dự án sẽ rất khó để có nhà giá rẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động