Cơ chế nào cho doanh nghiệp đền bù giải tỏa?

Cập nhật 10/07/2008 09:00

Ngày 9-7, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo về cơ chế thí điểm cho tổng công ty đền bù giải tỏa, trình TTCP trong thời gian tới.

Ý tưởng thành lập một tổng công ty giải phóng mặt bằng nếu vận hành được sẽ giúp nhà nước bớt đi phần nào gánh nặng trong việc giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên vốn, cơ sở pháp lý và cơ chế vận hành là ba vấn đề khó khăn mà doanh nghiệp này có thể phải đối mặt.

Điều vướng nhất đối với mô hình hoạt động này là không có cơ chế trong quy định. Luật đất đai đã quy định mô hình được tham gia vào giải phóng mặt bằng.

Tại các địa phương, có nơi thành lập trung tâm phát triển quỹ đất, có nơi thành lập doanh nghiệp công ích. Nếu doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này hoạt động không theo hai mô hình trên sẽ vướng một số vấn đề pháp lý. Vì vậy khả năng cơ chế thí điểm sẽ được áp dụng cho doanh nghiệp trong thời gian 5 năm.

Cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau của các bộ, ngành có liên quan góp ý hoàn thiện cơ chế thí điểm này. Một đại diện của Bộ Tư pháp đề nghị cơ chế thí điểm này cần phải được Quốc hội thông qua; đại diện của Bộ Tài chính đề nghị cơ chế thí điểm nên áp dụng cho nhiều doanh nghiệp cùng tham gia; đại diện của Bộ Kế hoạch - Đầu tư kiến nghị cần có cơ chế để hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp.

Dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết đều ủng hộ việc tạo ra một cơ chế thí điểm cho mô hình hoạt động này như: việc cho phép doanh nghiệp thực hiện khâu đền bù giải tỏa như một dịch vụ trên phạm vi toàn quốc hay chỉ trong giới hạn một vài địa phương nhất định; hoạt động theo hình thức đặt hàng hay hình thức nào khác.

Cũng có ý kiến gợi mở mô hình hoạt động cho doanh nghiệp. Cụ thể, phương án một, sau khi quy hoạch được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền giao đất cho tổng công ty trên để bồi thường theo quy định. Sau khi giải phóng mặt bằng xong, đơn vị trên sẽ giao lại đất "sạch" cho UBND cấp tỉnh để tổ chức đấu giá. UBND tỉnh có trách nhiệm thanh toán một phần lợi nhuận thu từ việc đấu giá đất cho tổng công ty trên. Tỷ lệ lợi nhuận cho Tổng công ty sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định.

Phương án thứ hai là giao cho tổng công ty tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, và đơn vị này có trách nhiệm nộp một phần lợi nhuận từ việc đấu giá quyền sử dụng đất cho địa phương. Tỷ lệ này cũng do UBND cấp tỉnh quyết định.

Vào đầu tháng 3-2008, Công ty cổ phần Đức Khải tại TPHCM đã gửi các cơ quan chức năng đề án xin thành lập tổng công ty đền bù giải tỏa. Theo đề án này, công ty đền bù sẽ có tên là Tổng công ty đền bù, giải tỏa, có vốn điều lệ 1.650 tỷ đồng. Trong đó vốn góp cổ đông của Công ty Đức Khải là 850 tỷ đồng (chiếm 51%), còn lại là vốn huy động.


Theo TBKTSG