Cơ chế đặc thù tạo cú hích cho thị trường BĐS

Cập nhật 26/02/2018 10:51

 Năm 2018 TPHCM sẽ tập trung triển khai nhiều dự án theo cơ chế chính sách đặc thù, tạo đột phá theo tinh thần Nghị quyết 54 đã được Quốc hội thông qua.

Việc cởi trói về thẩm quyền quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền... sẽ là cú hích để TPHCM phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, trong đó có sự phát triển của thị trường BĐS. Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA).

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, sau dịp nghỉ Tết, chính quyền TPHCM đã và sẽ tổ chức nhiều hội nghị, chương trình thực hiện Nghị quyết 54. Ông cảm nhận thế nào về sự đón nhận và trách nhiệm nhập cuộc của các doanh nghiệp (DN) địa ốc khi TP được thí điểm cơ chế đặc thù?

Ông LÊ HOÀNG CHÂU: - Theo Nghị quyết 54 sẽ tạo ra tổng thể các điều kiện để TPHCM cất cánh, bứt phá; thực hiện đúng vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước cũng như phương châm “TPHCM vì cả nước và cả nước vì TPHCM”. Có cơ chế này là điều kiện cần để TP phát triển, tạo cú hích cho thị trường BĐS; còn điều kiện đủ là sự chuẩn bị, chuyển động của TP, các chủ thể phải có trách nhiệm tham gia vào tiến trình này.

Trách nhiệm của các DN là nỗ lực hơn để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển TP, cung ứng các loại sản phẩm BĐS đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân, kể cả người nước ngoài.

  Một tín hiệu đáng mừng là TP đã rất năng động khi tổ chức hội thảo về kênh rạch quy mô lớn, chất lượng, có sự tham gia và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. HoREA sẽ tiếp tục phối hợp với các sở/ngành tổ chức hội thảo mời gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào TP, tập trung vào các chương trình kênh rạch, chung cư cũ, 193 dự án kêu gọi đầu tư của TP.

Hiện tại TP đã chuẩn bị 21 chương trình thực hiện cơ chế đặc thù. Những đề án thu hút sự quan tâm của các DN địa ốc như xây dựng TP thông minh; định hướng phát triển TP về khu vực cao để ứng phó với biến đổi khi hậu và nước biển dâng; xây dựng lộ trình chuyển đổi hợp lý 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị...
Khi có cơ chế đặc thù, TP sẽ tự quyết những việc trước đây Chính phủ hay các bộ quyết định như cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính cho DN, phê duyệt chủ đầu tư của một số dự án xây dựng chung cư cũ, các dự án quy mô từ 10ha đất nông nghiệp trở lên...

- Thuận lợi như vậy ông dự báo diễn biến của thị trường BĐS TPHCM thời gian tới như thế nào?

- Theo tôi, thị trường BĐS năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực và nhiều khả năng vẫn giữ được ổn định như năm 2017. Phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất; phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh hơn; phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường; đất nền phân lô sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nóng.
Quy mô thị trường BĐS TPHCM vượt ra khỏi ranh giới hành chính của TP và đã có tính lan tỏa trong "vùng TPHCM", nhất là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh TPHCM. Thời gian tới, xu thế hợp tác giữa các DN trong nước, kể cả với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là xu thế kinh doanh BĐS qua mạng, xu thế phát triển BĐS xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiều tiện ích và dịch vụ phục vụ khách hàng, sẽ tác động tích cực và góp phần phát triển thị trường BĐS bền vững.
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), chuyển nhượng dự án sẽ phát triển mạnh hơn trong năm 2018, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án và sàng lọc thị trường. Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và nguồn kiều hối vẫn tiếp tục là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường BĐS trong năm 2018.
Theo tôi khó có thể xảy ra "bong bóng" trong năm 2018, bởi thị trường BĐS hiện có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước; các DN nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường; các nhà đầu tư thứ cấp và người tiêu dùng thông minh, ngày càng tỉnh táo và am hiểu thị trường hơn.

Cải tạo kênh sạch sẽ được TP quan tâm hơn trong năm 2018. Ảnh: P. LONG

- Thị trường vẫn đang ổn, sao HoREA lại đưa ra bản khuyến nghị với các DN BĐS?

- Thị trường tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn có những quan ngại. Đây là năm đầu tiên chúng tôi có văn bản khuyến nghị hành động đối với DN địa ốc và sẽ còn tiếp tục khuyến nghị mạnh mẽ hơn, mục đích nhằm nhận diện cơ hội và thách thức để xây dựng hướng phát triển bền vững hơn. Hiệp hội mong muốn DN phải tập trung nghiên cứu kỹ quan hệ cung-cầu, bởi thị trường BĐS TPHCM đang có sự mất cân đối cung cầu khá nghiêm trọng.
Các DN cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững; tham gia các chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng nặng; chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch; chương trình nhà ở xã hội; chương trình phát triển các thiết chế nhà công nhân.
- Căn hộ vừa túi tiền hiện nay rất thiếu, nhưng vì sao vẫn chưa có lời giải cho căn hộ thương mại diện tích dưới 45m2 tại TPHCM?
- Vừa rồi, UBND TP đã 2 lần có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng không tán thành căn hộ thương mại diện tích dưới 45m2. Nhưng trước đó chính quyền TP đã cho làm căn hộ 38m2. Tôi có trao đổi và đề nghị với lãnh đạo TP nên cho làm căn hộ thương mại dưới 45m2, không nhất thiết phải làm căn hộ 25m2 như dự thảo của Bộ Xây dựng.
Theo đó, ở mỗi dự án có thể cho chủ đầu tư xây dựng căn hộ diện tích nhỏ ở một tỷ lệ khoảng 25%. Tại các huyện ngoại thành và quận ven (9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Tân Phú), nếu hạ tầng đồng bộ, việc phát triển căn hộ diện tích nhỏ là rất cần thiết, khả thi với một tỷ lệ nhất định.
Lãnh đạo TP từng đặt ra vấn đề nếu theo thống kê mỗi năm tăng 200.000 dân, 5 năm tăng 1 triệu dân, khi đó việc giải quyết nhà ở cho 1 triệu dân trong 5 năm như thế nào? Vấn đề đã được đặt ra nhiều năm nhưng chưa có đáp án phù hợp. TPHCM hiện có 3 triệu dân nhập cư/13 triệu dân, chiếm 23%.
Đa số lao động nhập cư, người nghèo, công chức có thu nhập thấp không thể mua nhà thương mại với giá hàng tỷ đồng. Vì vậy, Hiệp hội khuyến khích, vận động DN chuyển hướng làm căn hộ vừa túi tiền, tham gia chương trình cải tạo kênh rạch, chung cư cũ, nhà ở xã hội. Điều đó giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

- Xin cảm ơn ông.

DiaOcOnline.vn – ĐTTCO