Khó khăn kéo dài khiến các giao dịch chuyển nhượng trên thị trường địa ốc khó thành công |
Khó khăn kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn TP.HCM không còn đủ sức thực hiện dự án. Hàng loạt dự án bất động sản đã được các doanh nghiệp rao bán, hoặc tìm đối tác để hợp tác triển khai.
Bán nhiều, mua ít
Mới đây, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI) đã phải tìm nhà đầu tư để hợp tác, hoặc chuyển nhượng lại 2 dự án tại quận Thủ Đức (TP.HCM) do đơn vị này làm chủ đầu tư.
Dự án đầu tiên mà PPI tìm đối tác chuyển nhượng là Khu phức hợp ven sông Sài Gòn Water Garden (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Trước đó, PPI có kế hoạch đầu tư 1.275 tỷ đồng để phát triển dự án có diện tích 2 ha này thành khu phức hợp với các hạng mục gồm căn hộ cao cấp, khu thương mại và dịch vụ. Hiện PPI đưa ra mức giá chào bán cho dự án này là 15 triệu đồng/m2.
Dự án thứ hai là Dự án căn hộ PPI Tower, cũng tại phường Hiệp Bình Chánh. Khu đất này có diện tích 2.400 m2, được PPI rao bán với giá 29 triệu đồng/m2. Đây là dự án mà đầu năm 2011, PPI có kế hoạch chi 313 tỷ đồng để phát triển thành tòa cao ốc 15 tầng, bao gồm 80 căn hộ và 8.000 m2 văn phòng cho thuê, công trình dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Ngoài PPI, nhiều doanh nghiệp địa ốc khác cũng đã và đang có kế hoạch chuyển nhượng dự án.
Đơn cử, Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC), tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, đã thông báo sẽ không tiếp tục đầu tư Dự án Cao ốc văn phòng có diện tích sàn 44.500 m2 tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) để làm trụ sở Công ty và cho thuê. Đơn vị này đã bán lại dự án trên với giá xấp xỉ 12 triệu USD. Lý do là, nếu triển khai dự án trên, Công ty phải chuẩn bị nguồn vốn trên 20 triệu USD, trong khi Công ty hiện chưa thể phát hành cổ phiếu thêm để huy động vốn.
Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) cũng vừa xin ý kiến cổ đông về việc bán Dự án Cao ốc văn phòng cho thuê tại 143 - 145 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) với giá dự kiến 40 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Vạn Phát Hưng cũng sẽ chuyển nhượng, thanh lý một số dự án tại quận 2, quận 9 và huyện Nhà Bè… để tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư. Công ty Bất động sản Anh Tuấn cũng vừa rao bán một dự án đất nền tại quận 9…
Vướng pháp lý, cung khó gặp cầu
Dù đã tìm đối tác chuyển nhượng dự án khá lâu, song đến nay, nhiều dự án vẫn không thể chuyển nhượng.
Ông Phạm Đức Trung, Phó tổng giám đốc PPI cho biết, sau khi công bố thông tin chuyển nhượng dự án, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu, đàm phán. Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án mà PPI muốn chuyển nhượng vẫn chưa có động thái chính thức.
“Vướng mắc lớn nhất trong quá trình đàm phán với đối tác vẫn là giá cả. Khi chuyển nhượng dự án, chúng tôi đưa ra mức giá căn cứ vào vị trí, tính hiệu quả của dự án, khả năng khi thực hiện dự án sẽ thu về bao nhiêu và dự báo thời điểm thị trường khi dự án hoàn thành. Còn phía đối tác lại căn cứ vào mặt bằng giá của thị trường hiện tại, nên đưa ra mức giá thấp”, ông Trung cho biết.
Theo ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển nhà Thủ Đức (TDH), trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn, việc nhiều doanh nghiệp chào bán dự án là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, khó khăn hiện nay là khó khăn chung, vì vậy, không có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để có thể mua đứt dự án. “Thời gian qua, TDH cũng nhận được nhiều lời mời mua dự án, nhưng TDH chỉ xem xét một số dự án tốt để liên kết hợp tác đầu tư, chứ không mua”, ông Hiếu chia sẻ.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành Công ty CBRE cho rằng, đây là lần đầu tiên, thị trường bất động sản Việt Nam xuất hiện nhiều giao dịch “khát vốn”. “Không có một cuộc khủng hoảng nào là vô nghĩa, vì khủng hoảng của người này là cơ hội cho người khác. Với những nhà đầu tư đang muốn gia nhập thị trường, đây được xem là thời điểm có nhiều cơ hội nhất”, ông Marc Townsend nhận định.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư