Việc chuyển nhượng quyền khai thác các dự án đường cao tốc Việt Nam đang dần được thực hiện theo chủ trương dùng hạ tầng để phát triển hạ tầng.
Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và nhà đầu tư Pháp đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Thỏa thuận hợp tác thực hiện việc chuyển nhượng quyền khai thác các dự án đường cao tốc và đầu tư các dự án đường cao tốc mới ở Việt Nam.
Việc chuyển nhượng quyền khai thác, quyền thu phí các dự án đường cao tốc đã được đề ra từ năm 2014, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã đề xuất việc đàm phán với nhà đầu tư Ấn Độ nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc là Hà Nội - Hải Phòng.
Năm 2015, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng đề xuất chuyển nhượng 5 dự án cao tốc là Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bến Lức - Long Thành, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi… nhằm xoay vòng vốn đề đầu tư các dự án mới.
Tuy nhiên, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và Vinci Concessions (thành viên Tập đoàn Vinci của Pháp) mới ký kết biên bản ghi nhớ về xem xét chuyển nhượng hai đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam, cụ thể hóa bằng việc chuyển nhượng các dự án hạ tầng giao thông.
Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long cho rằng, chuyển nhượng dự án là một trong những bước để đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút được nhiều hơn các nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác. Từ trước tới nay, hợp tác công tư (PPP) đối với công trình giao thông vẫn hầu hết tập trung vào đầu tư BOT.
Đối với các công trình giao thông, theo ông Bình, “nên nhìn nhận rộng ra, đoạn nào dùng hình thức nào. Những đoạn đường, dự án phải dùng tiền ngân sách, có những dự án dùng hình thức Nhà nước đầu tư lấy vai trò dẫn hướng để nhà đầu tư tư nhân góp vốn chung vào, có hình thức là Nhà nước xây dựng dự án trước tạo cho nhà đầu tư thấy bức tranh tươi sáng để mua lại. Chúng ta phải đa dạng hình thức để thu hút được nhiều nguồn vốn hơn và minh bạch hơn.”
Chuyển nhượng quyền khai thác, thu phí các dự án đường cao tốc đang góp phần đa dạng hình thức đầu tư, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư cho giao thông. Ưu điểm của việc chuyển nhượng quyền khai thác các dự án đường cao tốc sẽ giúp chủ đầu tư thu hồi vốn nhanh để quay vòng đầu tư cho dự án khác.
Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành cho rằng, chuyển nhượng các dự án giao thông sẽ giúp nguồn vốn được quay vòng nhanh chóng để phát triển các dự án giao thông mới, hoàn thành mục tiêu hơn 2000 km đường cao tốc vào năm 2020. Vốn của Nhà nước chỉ là vốn mồi để cho phát triển hạ tầng, khi mà Nhà nước đã xây dựng xong các dự án, việc chuyển nhượng lại quyền thu phí với giá thành hợp lý, số năm phù hợp để các doanh nghiệp tư nhân đủ sức phối hợp với ngân hành mua lại.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, chuyển nhượng dự án giao thông chưa từng có tiền lệ, do đó mức phí đường giao thông sau khi dự án chuyển nhượng sẽ như thế nào, lộ trình tăng phí ra sao? Đó là các vấn đề cần đặt ra với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, đề xuất chuyển nhượng các dự án giao thông lấy nguồn vốn xây dựng dự án khác là biểu hiện của sự mất cân đối giữa nguồn lực tài chính và nhu cầu phát triển. Dự án giao thông có sự khác biệt so với các dự án khác là tính xã hội rất cao, có những thay đổi về khai thác, quản lý, sử dụng đều ảnh hưởng tới xã hội. Để thực hiện chuyển nhượng quyền khai thác, quyền thu phí của các dự án giao thông phải có một hệ thống pháp luật toàn diện, cần tính đến những mặt ảnh hưởng tới xã hội, an ninh quốc phòng. Bài học cầu Hạc Trì là một ví dụ, dự án BOT triển khai đã vấp phải những phản ứng của xã hội.
Theo ông Long, phải phân loại các công trình, phải luật hóa và thấy rằng có những dự án không thể đem đi chuyển nhượng hoặc không thể cho đầu tư BOT bằng bất kỳ giá nào. Phải cân đối các lợi ích, giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu vốn với nhu cầu xây dựng và các điều kiện phát triển bền vững và các ảnh hưởng tiêu cực khác đến đời sống kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Phải xem xét tổng thể mới có thể đưa ra được quyết định về chuyển nhượng dự án.
Chuyển nhượng lại quyền khai thác, quyền thu phí của các dự án đường cao tốc sẽ góp phần tăng thêm kênh huy động nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, để bảo đảm người thuê lại, người được nhượng quyền khai thác sẽ thực hiện đúng, không lạm dụng quyền và tránh những ảnh hưởng tiêu cực tác động đến xã hội cần phải có một hệ thống cơ chế chính sách chặt chẽ và phù hợp.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV