Chuyện lạ ở Đắk Blao: Tái định cư trên đồi!

Cập nhật 31/03/2009 16:30

Theo dự kiến, đến 2010, công trình thủy điện Đồng Nai 3 sẽ tổ chức chặn dòng và xã Đắk Blao (thuộc huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) sẽ chìm trong lòng hồ. Thời gian không còn nhiều, khu vực tái định canh, tái định cư tại thị trấn Quảng Hà, huyện Đắk Glong cho hơn 500 hộ dân đang tiến hành khẩn trương. Thế nhưng, đại đa số người dân đều không chịu về khu tái định cư, tái định canh do khu vực đồi dốc dựng đứng, không có nước sinh hoạt, trồng trọt… Ai cũng biết khó khăn đó nhưng công trình làm cứ làm, khai hoang cứ khai hoang. Tiền tỷ đang chìm dần!

Khu tái định cư nham nhở!

Từ quốc lộ 28, chúng tôi phải vượt gần chục cây số đường rừng, đồi dốc quanh co, gập ghềnh để đến khu tái định canh, tái định cư (sau đây xin gọi chung là tái định cư) của bà con xã Đắk Blao (thị trấn Quảng Hà, huyện Đắk Glong). Theo bản vẽ, đoạn đường này chỉ dài 9,7km nhưng chúng tôi phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới đến nơi.

Dọc đường, ngay bên kia chiếc cầu bê tông đang xây trên dòng suối nhỏ, một xe ben chở cây bị lật chỏng gọng dưới chân con dốc. Đường cát lún, chiếc xe cẩu phải xoay trở đủ hướng mới hạ được các chân trụ để tiến hành lắp dây cáp cẩu chiếc xe tải bị lật. Vị trí đó cũng là con đường độc đạo đưa chúng tôi đến khu tái định cư.

Đến khu tái định cư, trước mắt chúng tôi là các quả đồi bị đốt cháy đen thui, dốc dựng đứng. Cây rừng bị đốt cháy thành than nham nhở, vẫn còn tỏa khói nằm chỏng trơ khắp sườn đồi. Cả một vùng đồi núi rộng hơn 1.000 ha đều đen thui như vậy. Các dãy đồi xa xa vẫn còn phủ màu xanh của rừng. Thấp thoáng trong màu xanh cây rừng là những căn chòi phủ bạt đỏ, tiếng máy cưa văng vẳng.

Chỉ tay về con đồi có dốc thoai thoải nhất, ông Nguyễn Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, ngán ngẩm cho biết: “Đó là khu tái định cư. Còn xung quanh là nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã… Đồi dốc cao quá nên bà con không chịu về!”.

Xung quanh khu vực tái định canh không hề có một nguồn nước nào. Tất cả đều là đồi chập chùng nối tiếp nhau.

Dân không chịu nhận đất, nhận nhà

Sáng hôm sau, chúng tôi rời thị xã Gia Nghĩa và vượt hơn 30km đường đèo để đến vùng đất sẽ bị chìm trong lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 trong nay mai. Xe vừa qua khỏi thị trấn Quảng Hà, chúng tôi “gặp” ngay hậu quả của cơn mưa mấy ngày trước. Con đường rừng bắt đầu quanh co hơn, ổ gà nhiều hơn, dốc cao hơn và cũng… lầy lội hơn.

Trên suốt đoạn đường, chúng tôi phải nhiều lần khiêng chiếc Minsk qua những vũng bùn rộng lớn. Anh bạn đồng nghiệp đi cùng chậc lưỡi nói: “Khu vực chuẩn bị giải tỏa nên không ai quan tâm sửa chữa! Vậy là cũng còn hên hơn chục năm trước nhiều rồi!”. Con đường trắc trở như vậy nhưng nhiều người vẫn chọn đi. Thậm chí xe chở khách loại 16 chỗ vẫn lưu thông qua lại vì đây là tuyến đường nối liền với huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

Chưa đến 11g nhưng trụ sở UBND xã Đắk Blao vắng hoe. Các phòng đều đóng kín cửa. Chúng tôi tạt qua một quán nước mà bàn ghế đều bám đầy bụi đỏ ở ven đường. Bà H’Binr, chủ quán vui vẻ tiếp chuyện. “Vậy là sắp có chỗ ở mới rồi, mừng không?”, chúng tôi hỏi. Bà H’Binr nói không chút nghĩ ngợi: “Mừng gì chú ơi! Đất xấu lắm. Lên trên đó thì lấy gì sống. Không có nước thì lấy gì uống, lấy gì trồng trọt. Ở đây quen rồi. Con suối Đắk Blao nuôi sống dân làng quanh năm!”. “Nhưng, nay mai khu này nước ngập để làm thủy điện rồi?”. “Nước ngập đến đâu thì tụi tôi dọn đi đến đó!”. Suy nghĩ của bà H’Binr cũng không khác với ông K’Sìnr, K’Đềnh… ở thôn 1 mà chúng tôi có dịp tiếp xúc.

Ông Lục Văn Mèn, Phó Bí thư xã Đắk Blao, nói: “Nói thật với các anh, mới đầu khi nghe tin về thị trấn ai cũng mừng. Về trung tâm văn hóa, có điện, có đường con em đi học sẽ dễ dàng. Nhưng khi đến vùng đất đó thì bà con hết vui. Khu tái định canh dốc cao quá, dân cho rằng không thể nào phát triển kinh tế lâu dài được. Cách đây mấy ngày, chính quyền tổ chức cắm mốc giao đất canh tác ở khu tái định canh cho bà con nhưng không ai nhận. Về vấn đề tái định cư, chúng tôi đã nhiều lần gửi kiến nghị lên huyện, lên tỉnh. Nếu chính quyền vẫn vậy thì dân sẽ tìm nơi khác sinh sống!”.

Thực tế trong thời điểm này, nhiều người dân ở xã Đắk Blao đã đi mua đất ở vùng lân cận như Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Đó là những người có tiền, còn hàng trăm hộ khác dự định sẽ vào khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng khai phá đất rừng làm rẫy. Đây là thực trạng mà thời gian qua chính quyền và các cấp, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Nông đang ra sức chấn chỉnh.

Theo ước tính, dự án tái định cư tại thị trấn Quảng Hà để phục vụ di dời người dân ở xã Đắk Blao có diện tích 1.021ha và kinh phí xây dựng hàng trăm tỷ đồng. Tiền đền bù thì chủ dự án là Ban quản lý thủy điện Đồng Nai 3 đã có nhưng chưa dám giao cho dân vì sợ họ nhận tiền xong sẽ đi mua đất ở nơi khác và không về khu tái định cư. Chính quyền giao đất, giao nhà… dân không nhận; tiền đền bù có rồi nhưng không dám giao… Đây quả là “chuyện lạ”.

DiaOcOnline.vn - Theo SGGP 12 Giờ