Chuyển hướng trong kinh doanh BĐS

Cập nhật 20/10/2011 16:35

Xu thế bỏ dần hình thức phân lô, bán nền cho người mua đất tự xây dựng đang được một số DN tại Thái Nguyên áp dụng, tạo nên hướng đi mới trong kinh doanh BĐS tại tỉnh trung du này. Một trong những “của hiếm” ấy là Trung tâm Phát triển quỹ nhà - đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Trong nhiều KĐT đất đai vẫn để hoang tràn lan.

Hoạt động đầu tư KĐT, khu dân cư (KDC) mới ở tỉnh Thái Nguyên thời gian qua tăng khá nhanh. Riêng 8 tháng của năm 2011 số KĐT và KDC mới đã tăng thêm 56 dự án với diện tích gần 1.600ha, đưa tổng số dự án đầu tư KĐT, KDC mới đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư lên tới 96 dự án với tổng diện tích trên 4.600ha, và số vốn đăng ký hơn 37.490 tỷ đồng. TP Thái Nguyên là đơn vị chiếm đa số với 60 dự án, tiếp theo là huyện Phổ Yên 19 dự án, TX Sông Công 12 dự án. Tính đến thời điểm này, 12/96 dự án cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, chiếm 12,5% tổng số dự án.

Tuy nhiên, một thực tế dễ thấy là cũng như nhiều địa phương khác, tại Thái Nguyên hiện tượng đầu cơ, tích trữ tài sản là BĐS còn phổ biến. Cùng với đó là sự thiếu kiểm tra hoặc không kiên quyết trong xử lý của các chủ đầu tư và các cơ quan quản lý các cấp đối với các trường hợp chậm tiến độ. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chủ yếu là phương thức triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh các dự án phát triển nhà ở hiện nay còn nhiều bất cập, nhất là phương thức chia lô, bán nền, dẫn tới đất đai dù trên giấy tờ đã có chủ sở hữu nhưng bỏ hoang tràn lan. Có nhiều dự án đã GPMB 100%, song qua nhiều năm vẫn chưa có một ngôi nhà nào “mọc” thêm ngoài vài căn hộ “mồi” của chủ đầu tư.

Theo các nhà chuyên môn, các dự án phát triển KDC, KĐT hiện nay chỉ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó phân lô, bán nền cho người mua nhà tự xây dựng dẫn đến việc nhiều dự án không hình thành đô thị hoàn chỉnh. Hơn nữa, theo thống kê của Phòng TN&MT TP Thái Nguyên, tính đến cuối năm 2010, diện tích đất chưa sử dụng trên địa bàn chỉ còn là 2% (371,19ha), phần lớn là khu vực đồi núi, không thuận lợi cho canh tác - điều đó đồng nghĩa là quỹ đất dành cho phát triển nhà ở ngày càng bị thu hẹp.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng, chia lô, bán nền thực chất là bán đất chứ không phải bán nhà ở. Phát triển BĐS có hai hình thức là xây dựng nhà để bán và mua đi bán lại nhà đã có. Vì thế đất đai không nằm trong diện cho phép. Chẳng những vậy, phân lô, bán nền còn gây ra nhiều bất cập, khiến hình ảnh các KĐT bị méo mó, nhô ra thụt vào không giống ai.

Đồng quan điểm trên, ông Hoàng Đức Khánh - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ nhà - đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết, dù mới được chính thức thành lập từ cuối tháng 01/2011 nhưng với chức năng phát triển quỹ nhà - đất và xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Trung tâm đã tiến hành thực hiện được 4 KDC tại TP Thái Nguyên gồm: KDC số 6, P.Thịnh Đán (giai đoạn 1 và giai đoạn 2); KDC số 4, P.Tân Thịnh và KDC số 10, P.Phan Đình Phùng. Theo đó, tại các KDC này Trung tâm Phát triển quỹ nhà - đất và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên sẽ chọn tập trung vào việc xây dựng nhà ở hoàn thiện theo quy hoạch - thiết kế được duyệt. “Điều đó vừa đảm bảo nhà ở đến tay phần đông người có nhu cầu thực, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị Thái Nguyên một cách bền vững, đảm bảo mỹ quan”, ông Khánh nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng