Các cuộc gặp gỡ cùng những học giả nghiên cứu về đô thị ở Ðại học British Columbia, Canada (nơi đặt trụ sở của Trung tâm Ðịnh cư con người thế giới) rồi Bách khoa Torino (Italia), Ðại học Berkeley (Mỹ) đã làm tôi khẳng định được rằng công cuộc đô thị hóa không thể chỉ giải quyết giữa giới quy hoạch, kiến trúc với nhau mà cần sự tiếp cận đa ngành.
Xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị nhất thiết phải có sự tiếp tay tích cực của các nhà kinh tế, văn hóa, xã hội. Tại các cuộc gặp gỡ đó, tôi học hỏi được nhiều từ các nhà địa lý nhân văn, môi trường, xã hội học đô thị, nhân học, hoạt động xã hội và văn hóa cộng đồng, quản lý đô thị... hơn là từ đồng nghiệp trong nghề của mình.
Thị trưởng thế giới và các nhà quy hoạch Châu Âu
Lần đầu tiên tôi có ấn tượng sâu sắc về cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề đô thị là ở cuộc họp các thị trưởng khắp thế giới tại Montréal, Canada vào đầu những năm 90 thế kỷ trước. Bản thân họ là những nhà chính trị mà lại tiếp cận được các vấn đề đô thị giống như những quy hoạch gia và môi trường học sành sỏi. Tôi có cảm tưởng họ đích thực là các kiến trúc sư của thành phố, không giống với vai trò kiến trúc sư trưởng hữu danh vô thực ở nước ta những năm nào!
Tiếp xúc với các nhà quy hoạch châu Âu những năm gần đây, tôi mới biết rằng những lý luận về đô thị học của các nhà kiến trúc hiện đại sừng sỏ thế giới như Le Corbusier, Meier, Gropius các năm 30 của thế kỷ trước qua Hiến chương Athens 1933 về “đô thị công nghiệp” ra đời ở châu Âu nay đã lỗi thời, không còn phù hợp cho phát triển đô thị bước vào thời đại thông tin và xã hội tri thức. Ðỉnh cao của đô thị công nghiệp phương Tây phải chăng là sự hình thành “mạng lưới đô thị toàn cầu” theo mô hình Mỹ đang lan tràn khắp châu á ngày nay.
Phản ứng lại những sai lầm đô thị hóa kiểu đó, vào các năm 1990, Hiệp hội các quy hoạch gia đô thị Cộng đồng Châu Âu soạn thảo Hiến chương Athens Mới 1998 nhắm chuẩn bị cho công tác quy hoạch đô thị khi loài người bước vào thế kỷ XXI, lấy con người là đối tượng trung tâm công tác quy hoạch đô thị, với các điều khoản mang tính nhân văn và chú trọng đến các vấn đề môi trường, phát triển hài hòa và bền vững.
Hiện nay đang xuất hiện phong trào “Phục hưng châu á” với nhiều tầm nhìn mới về phát triển, trong đó có tầm nhìn về kiến trúc và quy hoạch đô thị. Các nhà kiến trúc lớn châu á như William Lim, Ken Yeang, Tay Kheng Soon, Charles Corea... chủ trương phát triển kiến trúc mang tính “hậu hiện đại - bản địa”, nhằm phản ứng lại trào lưu quy hoạch phương Tây đi đến đâu là chủ trương phá hủy các trung tâm đô thị truyền thống, áp đặt phong cách quốc tế với các khối nhà cao tầng vô hồn, xa lộ xuyên trung tâm đô thị, tạo dựng các khu đô thị mới lấn chiếm vùng ven thị với lối ở kiểu “suburb” ngoại ô Mỹ, siêu thị, sân golf.
Các nhà nghiên cứu đô thị trẻ phương Tây ở Việt Nam
Không phải ngẫu nhiên mà năm nay vấn đề đô thị ở nước ta trở thành đề tài nóng bỏng tại các cuộc gặp gỡ học giả trong và ngoài nước. Năm nay, các cuộc thi quốc tế hiến kế về kiến trúc, đô thị diễn ra sôi nổi, từ Hà Nội đến TP.HCM. Các dự án khu đô thị mới cũng xuất hiện khắp nơi. Nhưng thực tế đô thị ta, giao thông vẫn tắt nghẽn, nước ngập lênh láng, cơn sốt nhà đất rộ lên rồi tắt ngấm, nông dân tiếp tục khiếu kiện do mất đất xây các khu công nghiệp, sân golf. Trong cư dân đô thị, người có thu nhập thấp, công nhân thời vụ vẫn sinh sống trong vùng ven thị nhếch nhác...
Phải chăng vẫn còn nguyên đó những điều bất ổn trong vấn đề đô thị và đô thị hóa vào giai đoạn phát triển và hội nhập ở nước ta.
Tại hội thảo Việt Nam học ở Hà Nội, tôi thực sự ngạc nhiên khi gặp các nhà nghiên cứu trẻ đến từ phương Tây. Họ đều nói sõi tiếng Việt và đã có nhiều năm học tập, nghiên cứu ở Hà Nội. Các vấn đề họ tìm hiểu không to tát như lớp học giả đàn anh, mà về các vấn đề nhỏ, rất đời thường như tìm hiểu “khu vực phi chính quy” (informal sector) về các tầng lớp cư dân đông đảo đô thị kinh doanh nhỏ, sự phát triển của các thành phố nhỏ ở nước ta.
Timothy Gorman (Mỹ) bàn về “nền kinh tế hằng ngày” của những người mua gánh bán bưng, xe ba bánh, người nhập cư nông thôn lên thành phố kiếm sống. Chính quyền đô thị phải có giải pháp thỏa đáng giải quyết công ăn việc làm và nơi ở, sinh hoạt cho thành phần cư dân thu nhập thấp, hoặc công tác thời vụ này. Anh đưa ra một số giải pháp hợp tình hợp lý về bố trí tập trung chỗ buôn bán cho người bán hàng rong, sắp xếp chỗ cho người buôn bán nhỏ. Các giải pháp đề ra có lẽ còn tốt hơn các biện pháp hành chính mà các nhà quản lý đô thị nước ta vội vã đem ra áp dụng vừa qua.
Sandra Kurten, Rudiger Korff thuộc Viện nghiên cứu Ðông Nam á, Ðại học Passau (Ðức) đề cập vấn đề thay đổi không gian công cộng ở Hà Nội, nhằm tạo sức sống năng động hơn cho các quảng trường, công viên và cả hè phố, làng hoa truyền thống kiểu xã hội thị dân mà Việt Nam đang hướng tới. Tim Kaiser cũng từ trường đại học trên thì rút tỉa kinh nghiệm từ các đô thị nhỏ ở phương Tây để hội nhập các thành phố nhỏ vào hệ thống các thành phố Việt Nam, tạo sự đóng góp hài hòa chung cho khu vực cũng như vai trò của chúng trong các hình mẫu di dân.
Những đổi thay ở Hà Nội và Ðà Nẵng
Thật tình cờ, tôi gặp hai chuyên gia đô thị tầm cỡ từ nhiều năm qua đã kiên nhẫn theo dõi tiến trình phát triển ở Hà Nội và Ðà Nẵng. Nữ KTS trẻ Lisa Drummond nói rất giỏi tiếng Việt đến từ Khoa Ðô thị học của đại học York (Toronto, Canada) cho rằng cơ cấu không gian đô thị Việt Nam đã thay đổi đáng kể sau 20 năm đổi mới. Hà Nội chẳng những phát triển theo chiều ngang, lan tỏa ra vùng ven mà cả về chiều cao với khách sạn, nhà văn phòng và chung cư cao tầng. Sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu cùng các thói quen mới về tiêu thụ và sinh hoạt góp phần làm thay đổi cảnh quan đô thị. Các điều này có lẽ đã được tiên liệu trước nhưng với tốc độ phát triển quá nhanh như hiện nay thì cũng đáng báo động.
GS Christian Taillard là nhà nghiên cứu đô thị thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) lại tập trung vào thành phố Ðà Nẵng trong công trình kéo dài nhiều năm. Từ một thành phố quy hoạch xây dựng theo tuyến tĩnh về giao thông (sông Hàn và sân bay) từ thời Pháp thuộc cho đến chiến tranh chống Mỹ, bước vào thời kỳ phát triển sau chiến tranh, Ðà Nẵng đã phát triển theo hướng một siêu đô thị - đa trung tâm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa Ðà Nẵng chỉ mới diễn ra ở các trục giao thông chính và các khu đô thị, khu công nghiệp mới, chứ chưa tác động đến cơ cấu thôn làng ở các lõm giữa. Cho nên cảnh quan đô thị Ðà Nẵng ngày nay là một sự đan xen hai yếu tố đô thị và nông thôn. Ðây có lẽ là hình mẫu chung cho nhiều thành phố đang phát triển nhanh ở nước ta.
Xuất hiện các “Vùng đại đô thị”
Gây chú ý nhất tại các cuộc hội thảo quốc tế cuối năm qua là các chuyên gia hàng đầu về đô thị đến từ Bắc Mỹ. GS T.G. Mc Gee trình bày rất rõ nét về sự xuất hiện và vai trò tích cực của các “Vùng Ðại đô thị” (Mega-Urban Regions, MURS) trong phát triển kinh tế ở châu Á. Ông là một chuyên gia địa lý nhân văn hàng đầu của Canada từng có gần nửa thế kỷ nghiên cứu và kinh nghiệm về các vấn đề đô thị, đặc biệt hiểu biết khá sâu về phát triển đô thị châu Á. Gần đây ông đặc biệt quan tâm đến diễn tiến đô thị hóa nhanh chóng ở nước ta. Ông cảnh báo chúng ta về những hậu quả không mấy khích lệ đang diễn tiến ra tại các thành phố xây dựng dọc theo bờ biển, về khoảng cách giàu-nghèo, bất bình đẳng xã hội và phá hủy môi trường.
GS Michael Leaf là chuyên gia quy hoạch định cư đến từ đại học British Columbia, Canada. Ông tập trung nghiên cứu các vùng ven thị Ðông Nam Á và TP.HCM. Ðối với ông, đây là vùng đệm giữa đô thị cũ và vùng nông thôn chung quanh và là nơi đang diễn ra sự thể nghiệm các khu đô thị mới với các khu công nghiệp, nhà ở, vui chơi giải trí. Hiện tượng đô thị hóa vùng ven thị diễn ra ở nước ta càng phức tạp hơn khi xuất hiện việc chiếm dụng đất canh tác nông nghiệp, đầu cơ đất đai và nạn tham nhũng. Ông nghĩ rằng chính quyền phải xác định lại phương cách quản lý mới và tái cấu trúc lại lãnh thổ thì mới mong phát triển hài hòa cho công cuộc đô thị hóa.
Hiện tượng “Ðô thị toàn cầu”
Tôi thích thú nhất với báo cáo của GS Mike Douglass của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa và Khoa Quy hoạch đô thị và Quy hoạch Vùng thuộc Ðại học Hawaii, Hoa Kỳ. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tiến trình đô thị hóa ở châu á, ông lên tiếng báo động về nguy cơ các công ty bất động sản lớn đang chuyển đất đai nông nghiệp thành các khu đô thị mới với cư xá khép kín, với nhà ở cao cấp cùng các dịch vụ như siêu thị, công viên, sân golf, khu vui chơi giải trí riêng biệt dành cho người có thu nhập cao. Ðây là hình ảnh của “đô thị toàn cầu” rất xa lạ với khung cảnh đa phần còn nghèo khó vùng Ðông Nam Á.
Cảm tưởng chung của tôi là các chuyên gia quốc tế hàng đầu phương Tây này vẫn nhìn vấn đề đô thị và đô thị hóa ở nước ta theo lối quy hoạch đô thị công nghiệp phương Tây thế kỷ XX vừa qua. Và như vậy thì họ đã chưa đưa ra được những góp ý tích cực hơn để giúp ta phát triển đô thị theo hướng hậu công nghiệp mang tính nhân văn và bền vững của thế kỷ XXI.
Ví như GS Mc Gee mới chỉ đưa ra các khuyến cáo như phải tăng cường phúc lợi xã hội, đối xử bình đẳng đối với nông thôn. Trả lời câu hỏi đô thị Việt Nam có thể nào thoát ra khỏi “Mạng lưới đô thị toàn cầu” bị phương Tây khống chế, GS Douglass cho rằng nếu những nước châu á mong muốn hội nhập và phát triển nhanh chóng theo hướng kinh tế thị trường thì không còn mô hình nào khác. Có lẽ ông chưa tiện nói ra, nhưng tôi nhận thấy ông muốn ngầm cảnh báo các chính quyền châu á rằng, nếu tiếp tục phát triển đô thị kiểu đó, sẽ xuất hiện hố sâu phân cách giàu - nghèo và bất bình đẳng xã hội, cùng với sự xuất hiện “chủ nghĩa tiêu thụ” và “xã hội mạng lưới” do phương Tây khống chế ngày nay. Riêng tôi còn nghĩ rằng phát triển đô thị kiểu này ta sẽ sớm rơi vào “xã hội mạng lưới” nặng về chủ nghĩa tiêu thụ và gạt sang bên lề xã hội người nghèo đô thị. Nếu quan tâm đến phát triển bền vững hơn, chúng ta vẫn có thể tìm ra được các giải pháp căn cơ cho phát triển đô thị dựa trên các tiêu chí công bằng về không gian, xã hội và môi trường cho mọi người.
DiaOcOnline.vn - Theo T/C Kiến Trúc Việt Nam