Trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề vốn cho thị trường bất động sản (BĐS), ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland cho biết: Hiện dòng tiền đầu tư trực tiếp vào BĐS được đầu tư qua các doanh nghiệp phát triển BĐS hoặc nhà đầu tư cá nhân, những người mua BĐS trực tiếp.
Với đa phần các dự án đang triển khai, người mua nhà lại phải trả tiền mua cho doanh nghiệp. Còn vốn tài trợ cho doanh nghiệp và người mua đa phần là vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại. Với cấu trúc này, áp lực tài chính lên hệ thống ngân hàng là rất lớn. Ngân hàng thương mại với đặc tính vốn huy động là vốn vay trong dân chúng có tính chất ngắn hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cho thị trường BĐS là nhu cầu vốn dài hạn nên thị trường BĐS luôn phải chịu áp lực thanh khoản, xoay vòng vốn đáo hạn ngân hàng. Điều này tạo rủi ro lớn cho cả doanh nghiệp, người mua và hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt là khi thị trường "đóng băng".
Với cấu trúc tài chính như hiện nay, nguồn vốn cho thị trường BĐS rất thiếu ổn định. Đặc biệt, nó còn tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ thị trường BĐS và hệ thống ngân hàng thương mại cho dù nhu cầu về nhà ở, nhu cầu đầu tư phát triển BĐS, phát triển kinh tế còn rất lớn. Do đó, cần có nguồn vốn dài hạn cho thị trường BĐS, thông qua các hình thức quỹ đầu tư BĐS khác nhau. Các quỹ này không chỉ thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp vào thị trường BĐS mà còn tạo nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp, hỗ trợ người mua nhà mà còn tạo ra nguồn vốn dài hạn cho thị trường BĐS, đảm bảo giá trị, phát huy tác dụng làm tăng tính thanh khoản, giảm thiểu rủi ro thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định và hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị