Chuyên gia bày kế gỡ 'nút thắt' gói 30.000 tỷ đồng

Cập nhật 15/12/2013 07:24

Theo các chuyên gia, gói 30.000 tỷ đồng "xịt" vì không ai dại gì đi vay tiền giá rẻ để mua một sản phẩm bất động sản giá đắt.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Làm ăn gì năm 2014?”, TS Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đã thẳng thắn đưa ra nhận định, gói 30 nghìn tỷ "xịt " là một lựa chọn sai vì gói 30 nghìn tỷ đó không phải là cách giải quyết thị trường bất động sản trong thời điểm đó.

Chuyên gia bày cách gỡ nút thắt gói 30.000 tỷ đồng

"Chúng ta chỉ cần hình dung đơn giản như thế này liệu khách hàng có sẵn sàng vay tiền giá rẻ để đi mua một sản phẩm bất động sản giá đắt hay là không? Do vậy mấu chốt của vấn đề không phải là tín dụng mà là giá của tài sản "bong bóng" vẫn chưa được giải quyết", ông Hào phân tích.

Cũng theo ông Hào, thị trường bất động sản sẽ còn giảm giá hoặc ít nhất nó có thể tăng giảm nhẹ theo các gói hỗ trợ tín dụng rẻ nhưng xét trong tầm nhìn 3 năm đến 5 năm nữa thì giá bất động sản có thể rẻ hơn bây giờ.

Trong trường hợp của Hà Nội do đặc thù bất động sản ít chịu tác động của tín dụng do vậy tôi nghĩ mặt bằng giá có thể khó giảm nhiều  nhưng tất nhiên nó còn tùy thuộc vào phân khúc. Còn giá tăng trở lại theo nghĩa một xu hướng thì cũng đợi 3 đến 5 năm nữa.

GS Đặng Hùng Võ thì chỉ ra bất cập hiện nay trong việc thực hiện gói 30.000 tỷ đồng là vướng mắc trong khung pháp lý đang làm khó khăn cho việc giải ngân gói 30.000 tỷ. Vì vậy, cần phải tháo gỡ khung pháp lý này nhưng cũng cần xem xét tới một số cơ chế phù hợp cần được ưu tiên hơn.

Ví dụ, pháp luật hiện nay vẫn quy định là người mua nhà phải chứng minh được khả năng trả nợ mà người có thu nhập thấp thì không thể chứng minh được khả năng này. Vậy tháo gỡ khung pháp lý mà chỉ bỏ đi cơ chế bắt chứng minh khả năng trả nợ thì có thể lại rơi vào nợ xấu.

Vậy thì, như kinh nghiệm nước ngoài họ đã gắn việc trả nợ với một cộng đồng những người có thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà. Cộng đồng này sẽ tìm cách giám sát việc trả nợ, chịu trách nhiệm với ngân hàng việc trả nợ của cả cộng đồng, liên hệ với các tổ chức hoạt động vì mục tiêu xã hội để tìm kiếm sự trợ giúp của xã hội đối với cộng đồng.

Điều này có nghĩa, việc cởi mở khung chính sách phải gắn với các cơ chế đặc thù để việc sử dụng vốn vay có hiệu quả và có khả năng trả được nợ.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam hiện nay, không nên suy nghĩ theo hướng sử dụng các gói kích thích lớn từ chính phủ mà nên chú trọng tới việc cải cách nội bộ nền kinh tế và hoạt động của chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp và người dân làm ăn dễ hơn, cảm thấy an toàn hơn, bớt phiền hà hơn. Đó chính là sự kích thích kinh tế bền vững nhất.

"Điều này khó thực hiện hơn nhiều việc đưa ra những gói kích thích ồ ạt mà trong những năm qua chúng ta đã làm thử và thấy hiệu quả không cao, chỉ dẫn tới lạm phát và lợi ích cho một số nhóm nhỏ. Xét cho cùng, nguồn tiền kích thích cũng do người dân trả hoặc con cháu của họ trả sau này. Vì thế, luôn cần thận trọng với những chính sách đó", TS Nguyễn Đức Thành cảnh báo.

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) thì cho rằng gói kích cầu là cần, nhưng chính phủ không đủ tiền, nên không cần.

Liên quan đến việc "đầu cơ" nhà ở xã hội, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, khả năng đầu cơ nhà ở xã hội vẫn luôn luôn là một nguy cơ có thể xảy ra. Như đã từng xảy ra tình trạng "bán lúa non" đối với những người được suất nhà chung cư. Những người được tái định cư bán suất tái định cư trên giấy cho một "đầu nậu" với giá rẻ để đi tìm chỗ ở mới cho mình phù hợp hơn.

"Đầu nậu" đó tiếp tục chờ đợi nhận nhà chung cư và bán với giá cao hơn sau khi hoàn thành. Sự tháo gỡ chính sách một cách đơn giản cũng có thể dẫn tới khả năng xuất hiện các đầu nậu như phương thức nói trên.

Vậy thì bên cạnh việc tháo gỡ chính sách để giải tỏa các vướng mắc hiện  nay đối với nhà ở xã hội thì chúng ta phải tư duy đến những cơ chế hiệu quả hơn về việc trợ giúp xã hội  hoặc nhà nước đối với những người có thu nhập thấp.

Điều quan trọng là không trợ giúp bằng tiền hoặc hiện vật mà cần trợ giúp bằng trao quyền và tạo cơ hội cho người nghèo để tự xóa nghèo. Đây cũng là một yêu cầu thay đổi tư duy bao cấp vẫn đang thường trực trong việc trợ giúp cho người nghèo ở nước ta.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News