Chuyển đổi nhà ở cho sinh viên sang nhà ở xã hội: Tiền tỷ không còn phơi mưa, nắng

Cập nhật 18/02/2017 11:56

Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) có quy mô 6 tòa nhà cao 20 tầng, cung cấp 22.000 chỗ ở cho sinh viên, nhưng nhiều năm nay sau khi đưa vào khai thác lại không sử dụng hết công năng. Nhiều diện tích thậm chí bị bỏ hoang, nằm phơi mưa nắng. Vì thế, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất chuyển đổi 2 tòa nhà A2, A3 sang nhà ở xã hội, tránh lãng phí và đáp ứng nhu cầu nhà ở bức thiết của người dân.


Dự án Pháp Vân - Tứ Hiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng sẽ tránh lãng phí và đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở xã hội. Ảnh: Anh Tuấn

Dở dang vì thiếu vốn

Dự án nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp có 6 tòa nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6, tổng mức đầu tư phê duyệt 1.492,509 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 10-2009, dự kiến hoàn thành sau 20 tháng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2009 đến năm 2013, Chính phủ bố trí cho dự án 1.113,2 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và thực tế đã giải ngân 1.133,094 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí từ ngân sách địa phương, bao gồm chi phí trang thiết bị nội thất và dự phòng, đến nay đã thực hiện khoảng 44,3 tỷ đồng theo phương thức xã hội hóa tại các hạng mục nhà A1, A5, A6.

Tháng 1-2015, 3 tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành, có sức chứa 10.800 sinh viên. Mỗi phòng rộng gần 57m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa... Theo quy định là 8 người/ phòng với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước). Việc xây dựng khu nhà này được xã hội quan tâm và kỳ vọng vì giải quyết vấn đề thiếu chỗ ở cho sinh viên trên địa bàn Hà Nội tồn tại từ nhiều năm nay. Thế nhưng đến nay mới có 3.500 sinh viên vào ở.

Tuy nhiên, việc thi công 3 tòa còn lại sau đó đã gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng, nhà A2, A3 chưa hoàn thiện và hiện nay đã dừng triển khai ở phần xây thô. Trước thực trạng này, tháng 4-2015, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, bố trí đủ vốn để thanh quyết toán các hạng mục đã hoàn thành và đề xuất việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để hoàn thiện nhà A2, A3.

Trên cơ sở thống nhất với liên danh tổng thầu với mục tiêu hoàn thành dự án, tránh nợ đọng, Sở Xây dựng đã đề xuất tách hạng mục nhà A4 khỏi dự án, sau khi giải phóng mặt bằng sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời cho phép chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội để bán và cho thuê bằng hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp được giao có trách nhiệm hoàn trả phần kinh phí nhà nước đã đầu tư cho hạng mục nhà A2, A3, khoảng 340 tỷ đồng, để có nguồn trả nợ cho khối lượng đã hoàn thành của nhà A1, A5, A6 (khoảng 233,8 tỷ đồng).

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, nhu cầu nhà ở xã hội tại Hà Nội rất lớn. Chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của Hà Nội năm 2015 chỉ đạt 361.443m2 trên tổng số 811.936m2 kế hoạch. Phần diện tích còn thiếu phải chuyển sang giai đoạn 2016-2020. Việc chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội cho các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 là hoàn toàn phù hợp.

Thay đổi cách quản lý để tránh lãng phí

Nhận xét về đề xuất chuyển đổi nhà A2, A3 sang nhà ở xã hội của Sở Xây dựng, ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội cho rằng, mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng tới đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. "Dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp xây thô nhưng chưa thể hoàn thiện và lượng học sinh, sinh viên đến ở không nhiều là chưa thành công. Vì vậy, chuyển đổi từ nhà ở sinh viên sang nhà ở xã hội là ý tưởng đúng. Một trong những việc cần làm sớm là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để nhà A2, A3 đáp ứng tốt công năng của nhà ở xã hội" - ông Lâm nêu quan điểm.

Cũng theo ông Lâm, các hạng mục siêu thị, trường học, nhà văn hóa... có thể tận dụng từ diện tích trong hai tòa nhà này thay vì phải tìm đất để xây mới. Việc này không quá khó khăn nếu có sự quan tâm, hỗ trợ của UBND thành phố. Khi có đủ hạ tầng thiết yếu, chắc chắn người dân sẽ không ngại ngần lựa chọn làm nơi an cư.

Đồng quan điểm, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên được sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, nếu thiếu vắng người ở sẽ là sự lãng phí lớn về đất đai và tiền của. Thế nên, chúng ta phải thay đổi cách quản lý để không lãng phí và đáp ứng đúng nhu cầu nhà ở của xã hội. Từ dự án nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư cho rằng, việc thiếu hạ tầng kỹ thuật, xã hội khiến các khu nhà ở hay khu đô thị không thể thu hút người dân đến sinh sống là bài học trong quản lý quy hoạch và phát triển nhà ở theo kế hoạch.

Việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cũng như chuyển đổi từ các loại hình nhà ở khác sang nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội cũng là một trong những định hướng của thành phố trong giai đoạn tới. Đến thăm khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu và đề xuất những phương án về tài chính, đất đai, thi công… để đẩy mạnh phát triển mô hình nhà ở giá rẻ, nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân.

Từ sự thành công của dự án nhà ở xã hội Đặng Xá cho thấy sự cần thiết "đặt lợi ích của người dân lên trên hết" như quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Việc chuyển đổi nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp sang nhà ở xã hội không chỉ đáp ứng đúng nhu cầu của người dân mà còn giúp dự án này sớm hoàn thiện, đưa vào sử dụng thay vì rơi vào tình trạng dang dở, gây lãng phí như nhiều năm qua.


DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới