Sở TN&MT cho rằng ngành nông nghiệp chỉ góp 1% trong cơ cấu kinh tế TP nên chuyển đổi đất nông nghiệp sẽ có lợi hơn.
“Người dân cũng như các tổ chức chính là người được lợi đầu tiên khi được phép chuyển mục đích của đất nông nghiệp. Sau khi được chuyển, giá trị đất đai cao hơn rất nhiều so với đất nông nghiệp” - Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng (ảnh) khẳng định như vậy khi trao đổi về việc TP.HCM vừa được Chính phủ chấp thuận cho chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang các loại đất khác.
Cả người dân và chính quyền đều có lợi
* Cụ thể, lợi ích đó được thể hiện như thế nào, thưa ông?
+ Ông Nguyễn Toàn Thắng: Làm một so sánh nhỏ như thế này để dễ hình dung: Ông A có 10.000 m2 đất nông nghiệp đã được quy hoạch là đất công nghiệp. Nếu để đúng mục đích sử dụng ban đầu là đất nông nghiệp thì giá trị đất sẽ rất thấp. Tuy nhiên, khi được cho chuyển sang đất công nghiệp để hình thành nên một khu công nghiệp thì giá trị đất khác đi rất nhiều.
Không những người dân mà TP cũng phát triển. Khi sản xuất nông nghiệp không hiệu quả có nghĩa là đóng góp vào ngân sách cũng ít. Sản xuất công nghiệp sẽ mang lại giá trị và đóng góp cao hơn, khai thác đúng giá trị của đất hiện có. Hơn nữa, ngành nông nghiệp hiện chỉ đóng góp chưa tới 1% trong tổng cơ cấu kinh tế của TP. Chủ trương của TP hiện nay là hướng tới xây dựng nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vùng nông nghiệp sạch để tạo ra giá trị sản phẩm cao mà không cần quá nhiều diện tích.
* Vậy tại sao chỉ 26.000 ha đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng mà không phải là nhiều hơn hoặc ít hơn?
+ Thực ra con số 26.000 ha trước đây đã có trong kỳ quy hoạch sử dụng đất 10 năm (2011-2020) được Thủ tướng phê duyệt trước đó.
Theo quy định của Luật Đất đai 2003, TP đã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả kỳ 2011-2020. Theo đó, TP được chuyển mục đích sử dụng đất hơn 29.000 ha trên tổng quỹ đất nông nghiệp của TP là hơn 118.000 ha. Trong kỳ đầu (2010-2015), TP đã chuyển được hơn 3.000 ha. Còn lại 26.000 ha đất nông nghiệp thì tiếp tục được phép chuyển mục đích trong kỳ cuối (2016-2020).
Đến Luật Đất đai 2013 được ban hành, quy định mới yêu cầu các địa phương phải lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm để cụ thể hóa cho kế hoạch theo kỳ năm năm. Khi Chính phủ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho phù hợp với quy định mới thì một số chỉ tiêu của TP cũng thay đổi do quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ. Nhiều nơi hiện trạng là đất nông nghiệp nhưng người dân không còn sản xuất nông nghiệp. Hoặc đất nông nghiệp ấy được quy hoạch thành đất khác và người dân hiện chỉ tạm thời sản xuất nông nghiệp trong thời gian chờ quy hoạch để tránh lãng phí đất. Do đó, TP đã có văn bản trình Thủ tướng để phê duyệt trong Nghị quyết số 80/2018 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020).
Những khu đất nông nghiệp sẽ được chuyển đổi thành những mục đích khác. Ảnh: V.Hoa |
TP đề xuất thực hiện năm nhóm giải pháp tổ chức thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) gồm: Nhóm giải pháp về đầu tư phát triển, về cơ chế chính sách, về thích ứng biến đổi khí hậu, về bảo vệ quỹ đất nông nghiệp và giải pháp tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung hoàn thiện giao thông, chú trọng đầu tư các đô thị vệ tinh theo hướng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật/xã hội để hạn chế dân vào trung tâm. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành khu đô thị mới Thủ Thiêm.