Sáng 29.10, ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đã làm việc với UBND TP.HCM. Theo sở Xây dựng TP.HCM, sau nghị quyết 02, có rất nhiều dự án nhà ở thương mại đăng ký xin chuyển sang nhà ở xã hội, tuy nhiên, đến nay, thành phố đã phê duyệt ba dự án với số lượng hơn 6.000 căn hộ được chuyển đổi. Ngoài ra, TP.HCM đã đồng ý cho chung cư Thái Bình Plaza (quận 2) có tổng diện tích 14.000m2 với năm block cao 20 tầng (chưa kể tầng hầm) thành bệnh viện đa khoa quốc tế 500 giường.
Chung cư Thái Bình Plaza (được chuyển thành bệnh viện đa khoa quốc tế 500 giường.
|
Lý giải vì sao tiến độ chuyển đổi sang nhà ở xã hội chậm, ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc sở Xây dựng, cho biết hầu hết các dự án trước khi nộp hồ sơ xin chuyển làm nhà ở xã hội đều đã chia tách căn hộ lớn làm căn hộ nhỏ làm tăng dân số, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật lẫn hạ tầng xã hội. Do đó, việc chuyển đổi không chỉ bằng một quyết định hành chính, mà phải trên tổng thể các giải pháp để khả thi, không làm tăng dân số cục bộ, cũng như không đẩy phần tồn kho từ dự án thương mại sang phần tồn kho của dự án nhà ở xã hội.
TP.HCM đề xuất với ban chỉ đạo kiến nghị Chính phủ cho vay gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đối với căn hộ có diện tích trên 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; phần diện tích vượt sẽ tính lãi suất bình thường.Thành phố cũng kiến nghị miễn 100% thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp cho hoạt động đầu tư nhà ở xã hội, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, chuyển nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội; giảm thuế VAT đối với người mua nhà lần đầu… Theo ông Phạm Trung Tuyến, trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản, tiến độ thực hiện của TP.HCM so với Hà Nội là chậm, còn theo ông Trần Đình Cường, phó giám đốc ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP.HCM, đến ngày 15.10, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng mới tiếp cận được 179 khách hàng cá nhân với số tiền 103 tỉ đồng, hiện đã giải ngân được 31 tỉ đồng; chưa có doanh nghiệp nào được vay.
DiaOcOnline.vn - Theo SGTT