Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học: Xây mới không kịp với hư hỏng

Cập nhật 24/08/2007 17:00

"Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học không đạt yêu cầu" - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân đã công nhận điều này trong Hội nghị tổng kết chương trình này, được tổ chức tại Hà Nội ngày 23.8.

Hai mục tiêu lớn nhất của chương trình là xoá phòng học 3 ca vào tháng 12 - 2003 và xoá nhà tranh tre nứa lá vào cuối năm 2005, thế nhưng chương trình nay đã kéo dài hơn một năm so với dự định mà số phòng học theo kế hoạch phải kiên cố hóa hoàn thành đưa vào sử dụng chỉ đạt tỉ lệ 71%.

Như chưa... bắt đầu

Kết quả thực hiện chương trình trong giai đoạn 2002 - 2006 là hơn 74 nghìn phòng học mới được xây dựng kiên cố (trong đó có gần 64 nghìn phòng học đã hoàn thành và đưa vào sử dụng) có đủ bàn, ghế, bảng, đèn điện chiếu sáng và quạt trần.
 
Cơ sở vật chất nhiều trường học được tăng cường, tỉ lệ trường học, phòng kiên cố ngày càng tăng, tạo điều kiện cho việc củng cố và giữ vững kết quả xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện chủ trương phổ cập THCS....

Tuy rằng giai đoạn 2002 - 2006 chương trình không đạt mục tiêu đề ra nhưng lợi ích từ những kết quả đạt được của chương trình là không thể phủ nhận. Vì vậy, "cần phải tiếp tục đầu tư và kiên trì thực hiện đề án" - ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định. Bộ GDĐT đã đề xuất hai phương án thực hiện chương trình giai đoạn 2007 - 2010.

Cụ thể là: Phương án 1 chỉ thực hiện mục tiêu như giai đoạn 2002 - 2006 là tập trung thanh toán phòng học 3 ca mới phát sinh, phòng học nhờ, mượn, các loại phòng học tạm thời. Vốn đầu tư dự kiến để thực hiện mục tiêu này là 7.714 tỉ đồng (59.340 phòng x 130 triệu/ phòng). Phương án 2: Thực hiện hai mục tiêu.

Ngoài mục tiêu của phương án 1 (ưu tiên 1) thực hiện thêm mục tiêu xây dựng lại các phòng học bán kiên cố (cấp IV cũ) hết niên hạn sử dụng đã và đang xuống cấp không thể sử dụng được. Để thực hiện mục tiêu thứ hai này cần thêm khoảng 8.200 tỉ đồng (63.141 phòng x 130 triệu/ phòng). Và để thực hiện phương án 2 này số vốn đầu tư dự kiến khoảng 15.914 tỉ đồng.

Ban chỉ đạo đưa ra những con số này vì theo báo cáo của các tỉnh, thành tại thời điểm đầu năm 2005, ngoài số phòng học 3 ca, phòng học tạm thời tranh tre nứa lá đã báo cáo với Chính phủ tháng 8.2002, cả nước vẫn còn 110.307 phòng học cần phải xây dựng lại (trong đó có 3.433 phòng học 3 ca, 13.687 phòng học nhờ, mượn, 30.046 phòng học tạm thời các loại và 63.141 phòng học bán kiên cố (cấp IV cũ) xuống cấp cần xây dựng lại.

Nếu kể cả số phòng học 3 ca, phòng học tạm thời tranh tre nứa lá đã báo cáo Chính phủ tháng 8.2002 đến nay chưa xây dựng thì tổng số phòng học các loại cần phải xây dựng là khoảng 122.481 phòng.

Như vậy, kết thúc giai đoạn 2002 - 2006, thống kê cho thấy số phòng học cần đưa vào giai đoạn tiếp theo của chương trình gấp 2 lần so với lúc bắt đầu đề án. Cho nên có thể nói, hiện giờ chúng ta lại quay lại điểm xuất phát.

7.714 tỉ đồng hay 15.914 tỉ đồng?



Vẫn còn rất nhiều phòng học như thế
này ở các địa phương cần phải
được xây dựng lại.


Tại hội nghị, khi đưa ra lấy ý kiến, đa số các địa phương đều ủng hộ phương án hai. Ông Trương Văn Thu - Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng khẳng định "phương án hai là đúng đắn". Theo ông Thu, việc xoá tranh tre nứa lá, phòng học tạm còn cần phải gắn với các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, hàng rào...

"Trước nay chúng ta cứ quan tâm đến việc học mà quên mất những cái khác. Ví dụ như vấn đề vệ sinh cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các cháu. Học sinh THCS, THPT còn các yếu tố phát triển về tâm sinh lý nên thực tế cái nhà vệ sinh là rất quan trọng.

Kể cả hàng rào cũng vô cùng cần thiết. Xây trường lớp khang trang mà không có hàng rào bảo vệ, trâu bò vào phá chả mấy mà hỏng, một hiệu trưởng chứ nhiều hiệu trưởng cũng không thể xử lý nổi những chuyện thế này, đâm ra lại thành lãng phí".

Bà Bùi Thị Dung - Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai, cũng bày tỏ sự ủng hộ với phương án hai, và cũng cho rằng "ngoài việc kiên cố hoá trường lớp phải có các công trình phụ trợ. Như phải có nhà ở cho giáo viên, đặc biệt là đối với giáo viên nữ".

Các địa phương đều mong muốn bộ sớm trình Chính phủ phê duyệt đề án. Tuy nhiên, con số gần 16 nghìn tỉ đồng sẽ là một thách thức không nhỏ, nếu như so sánh với giai đoạn 2002 - 2006: Tổng số vốn đã huy động để thực hiện chương trình là hơn 9.310 tỉ đồng, bao gồm ngân sách trung ương huy động từ phát hành công trái giáo dục năm 2003 và 2005 hỗ trợ các địa phương là hơn 5.223 tỉ đồng; ngân sách hàng năm của địa phương (tỉnh, huyện) là hơn 3.174 tỉ đồng.

Một nguồn vốn mà Ban chỉ đạo chương trình khá hy vọng khi bắt đầu thực hiện chương trình là huy động từ các tầng lớp dân cư, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, đặc biệt là các DN đóng góp bằng tiền và hiện vật được quy đổi thành tiền chỉ là 913,280 tỉ đồng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý rằng giai đoạn vừa qua việc giải ngân mới chỉ đạt 92,7%, vùng thuận lợi không dùng hết tiền, vùng khó khăn cần đầu tư nhiều mà cũng không sử dụng hết. Vì vậy cần có thêm nhiều giải pháp, biện pháp chứ nếu chỉ có tiền không thì cũng không làm nổi.

Các hạn chế của giai đoạn 2002 - 2006:

Khi lập danh mục phòng học 3 ca, phòng học tạm thời, tranh tre nứa lá tại thời điểm tháng 8 - 2002, một số tỉnh không báo cáo đúng yêu cầu. Nguyên nhân do hướng dẫn chưa rõ, do bộ yêu cầu gửi báo cáo gấp, do địa phương chưa tin vào tính khả thi của đề án và do.... bệnh thành tích. Khi triển khai chương trình, nhiều địa phương xây dựng đề án và bố trí kế hoạch đầu tư không đúng danh mục đã báo cáo với Chính phủ, Bộ GDĐT. Tiến độ thực hiện chương trình của một số tỉnh còn chậm so với yêu cầu.

Một số tỉnh đã sử dụng một phần ngân sách T.Ư hỗ trợ để bố trí cho các công trình khác không đúng với mục tiêu của chương trình. Một số phòng học của một vài địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình là kiên cố, bền vững mà chỉ xây dựng tương đương với tiêu chuẩn nhà bán kiên cố (chủ yếu ở các nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mặt bằng xây dựng hẹp). Chất lượng một số phòng học chưa đảm bảo, mới đưa vào sử dụng đã bị nứt tường, lún nền, vênh cửa. (Nguồn: Ban Chỉ đạo chương trình kiên cố hoá trường, lớp học T.Ư, Bộ GDĐT)

• Nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL rất khó khăn về mặt bằng xây dựng đã vận động được nhân dân hiến đất để xây dựng trường học: tỉnh Hậu Giang 17.000m2, tỉnh Bạc Liêu 62.324m2, tỉnh Kiên Giang 174.000m2, tỉnh Sóc Trăng 29.570m2....

Theo Hạnh Ngân - Lao Động