Chứng khoán Việt là thị trường mới nổi thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài

Cập nhật 05/01/2019 09:00

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường mới nổi có khả năng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài do kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán.

Thị trường cổ phiếu tăng trưởng vượt bậc về quy mô

Theo Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, hiện thị trường cổ phiếu Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc về quy mô. Cụ thể, ước đến 31/12/2018, giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 75% GDP (cuối 2017 là 70,2% GDP).

Cuối 2018, chỉ số Vn- Index dự báo giảm 5,5% so với cuối 2017. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô trong nước ổn định, kinh tế tăng trưởng cao và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng vẫn giữ vai trò hỗ trợ cho thị trường.

Cùng với đó, dòng vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 tích cực. Khối ngoại mua ròng khoảng 1,9 tỷ USD cổ phiếu trên sàn, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn...Tổng giá trị danh mục đầu tư của khối ngoại khoảng 35,3 tỷ USD, tăng 8,9% so với cuối năm 2017. Huy động vốn qua đấu giá cổ phần, thoái vốn Nhà nước đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, giảm 67% so với năm 2017.

Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra (Vinalines, Tổng công ty Hàng không, Bia Hà Nội, Petrolimex...).

                                   
Ảnh minh họa

Bước sang năm 2019, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể chịu tác động bởi diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các thị trường mới nổi có khả năng thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài do kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế cao và triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đưa ra một số tồn tại, thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019 như còn thiếu các loại hình quỹ đầu tư như quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ, quỹ tín thác... Sản phẩm và phương thức giao dịch chưa phong phú: chưa có nghiệp vụ bán khống, cho vay cổ phiếu để bán. Tính minh bạch của thông tin trên thị trường chứng khoán cần được cải thiện.

Tỷ lệ lợi nhuận của hệ thống công ty chứng khoán tăng cao

Đưa ra đánh giá hoạt động của hệ thống các công ty chứng khoán trong năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho biết, tổng tài sản hệ thống công ty chứng khoán tăng khoảng 20,3% so với năm 2017. Tổng vốn chủ sở hữu tăng 22,8%. Tổng lợi nhuận sau thuế của hệ thống công ty chứng khoán tăng khoảng 15,3%.

Tỷ lệ vốn khả dụng bình quân hệ thống Công ty chứng khoán theo báo cáo khoảng 409,7% (cuối 2017: 413,4%). Tuy nhiên, vẫn còn 5 Công ty chứng khoán có tỷ lệ vốn khả dụng dưới 180%, chiếm 0,2% tổng tài sản toàn hệ thống công ty chứng khoán, nên mức độ tác động đến an toàn hệ thống là rất thấp.

Trong khi đó, dư nợ cho vay ký quỹ của hệ thống Công ty chứng khoán ước tăng 14,5% so với cuối năm 2017. Tỷ trọng các khoản cho vay và phải thu trên tổng tài sản là 43,5% giảm so cuối năm 2017 (47,8%) do đó giảm rủi ro của hệ thống Công ty chứng khoán.

Liên quan đến thị trường trái phiếu, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng cho biết, tuy mô thị trường trái phiếu Chính phủ khoảng 27% GDP (tương đương với cuối năm 2017).

Năm 2018, kho bạc Nhà nước huy động khoảng 160 nghìn tỷ đồng, đạt 91% so với kế hoạch điều chỉnh năm 2018. Lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng sau khi tạo đáy vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm 2018. Khối ngoại bán ròng 1,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất làm giảm chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ và Việt Nam.

Trong khi đó, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ bé, chưa thực hiện tốt vai trò là kênh cung cấp vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp, giảm gánh nặng cho tín dụng ngân hàng.

Cụ thể, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cuối 2018 đạt khoảng 7% GDP, thấp hơn nhiều mức bình quân các nước khu vực (21% GDP), chỉ cao hơn Indonesia (2,9% GDP) và Philippines (6,5% GDP).

Riêng thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam mới vận hành từ tháng 8/2017 góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường vốn, tạo thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư. Theo đó, giá trị giao dịch bình quân thị trường phái sinh đạt khoảng đạt khoảng 9.400 tỷ đồng/phiên kể từ tháng 5/2018, cao nhất đạt trên 16.000 tỷ đồng/phiên.



Diaoconline.vn – Theo VnMedia