Các ngân hàng vẫn đang tiếp tục tài trợ cho các dự án bất động sản. Ảnh: Lê Quang Nhật |
Các dự án bất động sản tiếp tục được ngân hàng rót tiền vào, còn chứng khoán kết thúc phiên giao dịch hôm qua đã vượt qua mức đỉnh 512 điểm. Niềm hưng phấn của nhà đầu tư, trên đà nền kinh tế hồi phục, liệu có tạo nên những cơn sốt trên hai thị trường này sắp tới?
“Từ nay đến cuối năm, chứng khoán và bất động sản không có “sốt”", TS Trần Du Lịch, trong cuộc hội thảo “Cơ hội sau khủng hoảng kinh tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam” hôm 18.8 dự báo.
Ba lý do
Dư nợ cho vay chứng khoán đã tăng mạnh 28,31% sáu tháng đầu năm, trong khi cuối tháng 4 dư nợ này mới tăng 4% so cuối năm 2008, với 7.157 tỉ đồng. Dư nợ cho vay đầu tư và kinh doanh bất động sản tăng 10,48%; trong khi tháng 4 giảm gần 12% so cuối năm 2008.
Từ đó, theo ông Lịch, ngân hàng Nhà nước đang canh giữ van tín dụng cẩn thận cho hai thị trường này, với việc được điều chỉnh dựa trên tín hiệu phát ra từ “độ nóng” của chứng khoán và bất động sản, cũng như tín hiệu lạm phát sáu tháng cuối năm.
Lý do thứ hai, nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn, đầu cơ trên sàn không còn là nhân tố và cơ hội để gây sốt. Ông cho rằng, hiện tượng đầu tư bầy đàn thường chỉ xảy ra một - hai lần, và thị trường chứng khoán Việt Nam đã xảy ra rồi. Những người rút ra khỏi thị trường là những người đã biết sợ.
Thứ ba, kinh nghiệm quản lý nhà nước và các ngân hàng đã trở nên thận trọng và học được nhiều bài học trong thời gian qua. Thêm vào đó, ngân hàng Nhà nước quản lý rủi ro bằng cách hạn chế các khoản vay trực tiếp từ các ngân hàng. “Mức lên xuống chùng chình của thị trường chứng khoán hiện nay chỉ là sự tự tạo dựng, sắp xếp lại giá mà thôi”, ông nhận định.
Đặc biệt, ông cho rằng, thị trường bất động sản không còn “đất” để đầu cơ lên cơn sốt trong thời gian tới cuối năm, bởi các ngân hàng có xu hướng cho vay mua nhà ở, thận trọng cho vay kinh doanh bất động sản…
Nhưng vẫn đang hút tiền
Trong hơn hai tuần qua, dòng tiền liên tục nhắm các mã cổ phiếu thị giá thấp đổ vào. Chính sự hưng phấn đổ dồn này đã đưa chỉ số VN-Index tăng 46 điểm từ đầu tháng 8, đến hôm qua (20.8) đạt 513 điểm. Giá trị giao dịch trung bình một phiên từ đầu tháng 8 đến nay lên gần 1.955 tỉ đồng, cao hơn gần 700 triệu đồng/phiên so với tháng 7.
Dòng tiền, từ tháng 7 đến nay, vẫn tiếp tục được đổ vào các dự án bất động sản. Như ngân hàng Maritime, ước lượng vốn riêng đổ vào dự án Sky City tower lên đến hàng trăm tỉ đồng. Hôm 18.8 qua, ba ngân hàng BIDV, Đại Á, liên doanh Việt Nga vừa ký kết cho vay 1.594 tỉ đồng vào dự án trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội. Trước đó, ngân hàng Công thương, Bảo Việt, ACB, Gia Định cùng đổ 1.200 tỉ đồng vào dự án trung tâm mua sắm Hồ Bán Nguyệt của Phú Mỹ Hưng…
Trước việc ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống 25 - 27% năm nay, nghĩa là chỉ còn khoảng 5 - 7% cho sáu tháng cuối năm, hầu hết các ngân hàng vẫn chưa có ý định điều chỉnh độ mở “van” tín dụng. Như ACB vẫn giữ dư nợ tín dụng 65.000 tỉ đồng trong năm nay. Nếu tiếp tục theo đuổi kế hoạch đặt ra, thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của ACB dự kiến xấp xỉ 80 - 85% trong năm nay.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng tăng trưởng tín dụng sáu tháng đầu năm còn nhỏ, theo như HSC thống kê, Đông Á trong năm tháng chỉ tăng trưởng tín dụng 5,8% so đầu năm, ngân hàng Sài Gòn tăng 10%..., cũng được cho là sẽ tăng tốc. Cuộc đua lãi suất lại được khởi động đầu tháng 8, cũng như thanh khoản trong vài tuần gần đây giảm đi, cho thấy “cuộc chơi” tín dụng vẫn đang hào hứng.
Hơn nữa, chính sách lãi suất cho vay thoả thuận, dao động trung bình 12 - 16,5%/năm, vẫn hứa hẹn dòng tiền vào hai thị trường bất động sản và chứng khoán.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị