Chứng khoán, bất động sản được “cứu nguy”

Cập nhật 15/02/2012 10:30

Không nói trực tiếp nhưng Chỉ thị 01 và Công văn 674 của NHNN cho thấy bất động sản và chứng khoán đã thoát khỏi tình trạng “cấm” cho vay.

Chỉ thị số 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa được ban hành ngày 13-2 đề ra nhiệm vụ “tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2012”. Nhưng rất nhiều người lại quan tâm đến một văn bản kèm theo nó - Công văn số 674 của NHNN gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) về kiểm soát hoạt động tín dụng năm 2012.

Theo Công văn 674, tỉ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay của các TCTD trong năm 2012 tối đa là 16%. Dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích bao gồm:

- Dư nợ cho vay để đầu tư và kinh doanh chứng khoán, trong đó loại trừ dư nợ cho vay đối với người lao động của công ty nhà nước để mua cổ phần phát hành lần đầu.

- Dư nợ cho vay đối với nhu cầu vốn để phục vụ đời sống, trong đó loại trừ nhu cầu vốn để xây dựng, sửa chữa nhà và mua nhà để ở.

- Dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản (BĐS), trong đó loại trừ một số nhu cầu vốn như xây dựng nhà để bán, cho thuê cho người thu nhập thấp; xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; xây dựng các công trình, dự án phát triển nhà sắp hoàn thiện và sẽ được bàn giao hoặc đưa vào sử dụng trong năm 2012.

BĐS và chứng khoán có thể sẽ được phục hồi với việc nới lỏng tín dụng. Trong ảnh: Một khu nhà ở đang xây dựng ở quận 7, TP.HCM. Ảnh: HTD

Chi tiết đáng chú ý là trong toàn bộ công văn này hoàn toàn không có từ ngữ nào liên quan đến phi sản xuất. Đây là khái niệm đã được tranh cãi quyết liệt từ tháng 4-2011 trong giới chuyên gia, quản lý và doanh nghiệp BĐS. Đến tháng 8-2011, cụm từ này được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thông báo sẽ được giải tỏa đối với BĐS. Tại thời điểm này chứng khoán vẫn còn ở trạng thái “phi sản xuất”.

Đến tháng 11-2011, Công văn 8844 của NHNN đã chính thức loại trừ BĐS khỏi khu vực phi sản xuất. Thời điểm ban hành văn bản này chứng khoán vẫn bị xem là lĩnh vực phi sản xuất mà chưa có bất cứ một thay đổi nào từ quan niệm đến chính sách.

Không khóa cửa cho vay


Từ Chỉ thị 01 và Công văn 674 nói trên, lần đầu tiên từ sau Nghị quyết 11/2011 về thắt chặt chi tiêu công và thắt chặt tín dụng, hai lĩnh vực chứng khoán và BĐS xem như đã “chính thức” được chấp thuận cho vay. Sự chính thức này đã diễn ra một cách không chính thức - tương tự như Công văn số 8844 chỉ gián tiếp đề cập đến tín dụng BĐS chứ không nói thẳng ra điều đó. Tuy vậy, dù là gián tiếp thì hầu hết các ngân hàng đã được cứu. Dĩ nhiên, “ăn theo” ngân hàng là nhiều doanh nghiệp BĐS - những đối tượng đã không còn bị ngân hàng đòi nợ rốt ráo nữa.

Nay với Công văn 674, dường như đã có thêm chứng khoán được loại trừ khỏi khái niệm “phi sản xuất”. Tuy vẫn nằm trong lĩnh vực không khuyến khích nhưng các ngân hàng đã không còn bị “cấm” cho vay chứng khoán và BĐS. Nhiều khả năng một số ngân hàng sẽ khởi động lại kế hoạch cho vay đầu tư và kinh doanh đối với những lĩnh vực nhạy cảm này. Trước đây, vào tháng 9-2011, BIDV đã trở thành ngân hàng đầu tiên mở lại kênh cho vay chứng khoán và BĐS với lãi suất 20%-21%. Từ ngày 10-2-2012, Vietcombank cũng tiếp nối BIDV với hoạt động cho vay này nhưng lãi suất cho vay thấp hơn, 20%.

Với việc “nới lỏng tín dụng” từ các văn bản trên, chứng khoán và BĐS có cơ hội phục hồi trong năm 2012. Tuy nhiên, trong khi hai thị trường có tính đầu cơ cao như chứng khoán và BĐS được ưu ái thì mặt bằng lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa được kéo giảm và đây cũng là bài toán khó cho NHNN. Cái chết lâm sàng vì thế vẫn đang đe dọa rất nhiều doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP