Cơ quan chức năng chỉ cấp giấy khi người dân sử dụng đúng mục đích, đúng thiết kế đã được duyệt. Với những bất cập đang nảy sinh hiện nay, những người mua căn hộ ở chung cư tư nhân không dễ có được giấy chứng nhận sở hữu tài sản của mình.
Một chung cư tư nhân trên địa bàn quận Cầu Giấy. |
Trước thông tin chung cư tư nhân vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà theo quy định, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng để làm rõ hơn vấn đề này.
* Trong khi nguồn cung nhà ở hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì việc các chung cư tư nhân ra đời được xem là một giải pháp lựa chọn cho những người dân thu nhập chưa cao. Ông nghĩ sao về điều này?
Theo quan điểm của tôi, nếu như người dân có đất và thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý khi xây dựng các nhà theo dạng chung cư nhỏ để bán thì đó là điều tốt nhằm giải quyết chỗ ở cho nhiều người.
Vấn đề là khi xây dựng nhà để kinh doanh thì anh phải lập dự án và phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thứ nữa phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, qua kiểm tra, các chung cư tư nhân tự phát đang tồn tại đều không đáp ứng được.
* Cụ thể không đáp ứng được những yêu cầu gì, thưa ông?
Đó là khi xây dựng các chung cư tư nhân này, không ai lập dự án và cũng không ai có dự án được duyệt cả. Họ chỉ làm mỗi đơn xin giấy phép xây dựng.
Đáng chú ý, mặc dù trong đơn đó, các cấp chính quyền ghi rất rõ yêu cầu thực hiện đúng theo mục đích, không được thay đổi thiết kế. Nếu thay đổi thiết kế thì phải báo cáo làm lại thủ tục song hầu hết các chung cư đó đều thay đổi thiết kế và không sử dụng đúng mục đích.
* Theo ông, đây có phải là nguyên nhân do thủ tục trong đầu tư xây dựng nói chung, trong đó có việc xin lập dự án quá khó khăn, phức tạp nên mới có chuyện như vậy?
Qua khảo sát một vài quận trên địa bàn Hà Nội chúng tôi nhận thấy, đối với những diện tích đất nhỏ khoảng một vài trăm mét vuông xây dựng theo dạng nhà này để bán thì chưa ai xin phép, lập dự án xây dựng cả. Vì vậy không thể nói rằng các cơ quan nhà nước gây khó khăn.
Hơn nữa, tôi nghĩ việc lập dự án để xây dựng mô hình chung cư tư nhân chẳng có gì phức tạp bởi đất là của người ta rồi, họ lại có tiền, cứ thuê tư vấn thiết kế, xin phép xây dựng đàng hoàng là chung cư cho nhiều gia đình ở, chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước cho thông qua dễ dàng.
* Nhưng thực tế, mục đích xây dựng cho gia đình ở khác hẳn với việc xây để bán, cho thuê. Vì vậy, không phải cứ có tiền, có đất là dễ được chấp thuận…?
Khi thực hiện xây dựng nhà ở với mục đích bán hoặc cho thuê, cơ quan quản lý nhà nước phải xem xét việc xây dựng với mật độ dân cư tăng như vậy liệu có đảm bảo hạ tầng không (cả về kỹ thuật, xã hội, giao thông, điện, nước…), nếu chưa đáp ứng được thì phải có yêu cầu bổ sung. Và nếu không thể đảm bảo được nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội thì chắc chắn các cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cấp phép.
Thực tế cho thấy, việc chất tải thêm áp lực về hạ tầng từ các chung cư tư nhân tự phát thời gian qua đã gây bức xúc cho người dân đang sinh sống trước đó và ngay cả chính những người sống tại những chung cư đó, thậm chí đã xảy ra khiếu kiện… Đó là chưa nói đến vấn đề chất lượng chung cư, vẫn đề duy tu, bảo dưỡng sau này…
* Còn có lý do nào khác trong việc người dân không muốn lập dự án xin phép xây dựng chung cư?
Có thể người dân chưa hiểu hết công tác quản lý của nhà nước về vấn đề này nên chưa xin phép. Cũng có thể người ta sợ khi xin phép thì phải nộp thuế vì mục đích kinh doanh.
Do vậy, những căn hộ được chủ đầu tư bán theo kiểu nhà này thời gian qua có giá rẻ vì không phải nộp thuế, không phải chịu áp lực của phí hạ tầng, công tác an ninh...
* Một trong những vấn đề mà người mua nhà ở chung cư tư nhân quan tâm nhất đó là việc cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà. Trong trường hợp nhà chung cư được xây dựng mà không lập dự án trước đó, sai mục đích sử dụng… thì sẽ giải quyết thế nào?
Cơ quan chức năng chỉ cấp giấy khi anh sử dụng đúng mục đích, xây dựng theo đúng thiết kế đã được duyệt. Do vậy, khi xây dựng sai so với giấy phép thì chẳng ai cấp giấy cả.
Có thể chủ nhà có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng khi cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà cho từng người phải có giấy tờ đầy đủ pháp lý và yêu cầu cấp giấy cũng rất chặt chẽ. Việc cấp giấy không gây khó khăn nhưng phải đúng quy phạm pháp luật.
Trước thực tế hiện nay, chúng tôi cũng đang yêu cầu các địa phương báo cáo để tổng hợp, nghiên cứu đưa ra phương án quản lý mô hình này cho phù hợp.
* Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Dân Trí