Chung cư Rainbow Văn Quán: Luật một đường, chủ đầu tư làm một nẻo

Cập nhật 18/11/2015 16:43

"Trong trường hợp BIC Việt Nam cố tình làm sai luật, chia nhỏ tiền phí bảo trì để trả cho từng hộ dân, Ban quản trị có thể đề nghị lên UBND quận để thực hiện cưỡng chế bàn giao phí bảo trì", Luật Sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật Basico khẳng định.


Tóm tắt

- Ban quản trị cho rằng việc BIC xé nhỏ quỹ bảo trì trả cho cư dân là trái pháp luật. Tuy nhiên, phía BIC lại cho rằng tiền của dân họ trả lại cho dân không có gì là sai.

-  Luật Sư Trương Thanh Đức khẳng định, hành động của chủ đầu tư là phạm luật, cụ thể trái với Luật Nhà ở 2014. Luật quy định, sau khi ban quản trị được thành lập chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển giao lại phí bảo trì tòa nhà cho Ban quản trị nhà chung cư.


Chung cư Rainbow: Tranh chấp 2% phí bảo trì nóng lên từng ngày

Ban Quản trị tòa nhà Rainbow Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) và chủ đầu tư (Công ty cổ phần BIC Việt Nam) đã không thống nhất được phương án trả lại phí bảo trì 2%. Việc này dẫn đến, ngày 13/11/2015, BIC đã có thông báo sẽ trả lại phí bảo trì 2% cho từng căn hộ và yêu cầu các cư dân xuống nhận lại.

Ban quản trị cho rằng việc BIC xé nhỏ quỹ bảo trì trả cho cư dân là trái pháp luật. Trong công văn số 37 ngày 15/11/2015 của Ban quản trị nhà chung cư Rainbow Văn Quán gửi tới BIC Việt Nam, cư dân và các cơ quan chức năng, Ban quản trị yêu cầu BIC chấm dứt và ngừng ngay việc trả lại phí bảo trì trái pháp luật cho từng chủ sở hữu .

"Trong trường hợp BIC vẫn tiếp tục thực hiện việc trả lại phí bảo trì cho từng chủ sở hữu thì BIC phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hậu quả có thể xảy ra. Ban quản trị và cư dân Raibow Văn Quán sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự theo luật định để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình", công văn nêu rõ.

Tuy nhiên, phía BIC lại cho rằng tiền của dân họ trả lại cho dân không có gì là sai. Ngày 16/11, trả lời chúng tôi về việc BIC trả lại phí bảo trì cho từng hộ dân liệu có trái luật, ông Lục Minh Hoàn, Phó TGĐ Công ty cổ phần BIC Việt Nam khẳng định: "Do không thể tìm được tiếng nói chung nên cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm như vậy. Chúng tôi bán nhà thu hộ người dân 2% phí bảo trì. Giờ chúng tôi trả lại cho họ tiền của họ thì không có gì là sai cả".

Khi chúng tôi hỏi về vấn đề sau khi chi trả xong quỹ bảo trì, BIC có còn trách nhiệm với tòa chung cư hay không, ông Hoàn cho biết: "Về phần thân và kết cấu của tòa nhà BIC sẽ bảo hành trong vòng 60 tháng kể từ ngày bàn giao nhà. Sau 60 tháng, BIC sẽ hết trách nhiệm với tòa chung cư".

Được biết, ngày 16/11 trong ngày đầu tiên trả lại tiền phí bảo trì của cư dân đã có hơn 20 hộ dân xuống nhận. Trao đổi với chúng tôi chiều ngày 17/11, ông V một cư dân đi nhận tiền phí bảo trì do BIC Trả lại lo lắng cho biết: “Thực sự chúng tôi không muốn nhận lại số tiền bảo trì này, đây là số tiền dùng để bảo trì tòa nhà khi có sự cố xảy ra. Nếu BIC không giữ cho cư dân thì đây quả thật là một điều lo lắng cho cư dân”.

Ngày 16/11/2015 đã có 20 hộ cư dân đến nhận tiền phí bảo trì

Trước những diễn biến ngày càng phức tạp về tranh chấp khoản phí bảo trì 2% tại khu chung cư Rainbow, chúng tôi đã nêu vấn đề với ông Bạch Đăng Công, Chủ tịch UBND phường Văn Quán.

Khẳng định chủ đầu tư đã không làm theo Luật, ông Công cho biết: “Ngày 14/11, sau khi nhận được đơn thư khẩn của Ban quản trị tòa nhà Rainbow về việc ngừng và chấm dứt việc trả lại phí bảo trì chung cư 2% cho từng hộ dân, UBND phường đã ngay lập tức có mặt tại khu chung cư để lập biên bản yêu cầu BIC ngừng ngay việc chi trả lại”.

“Đến ngày 16/11, khi xảy ra việc BIC chi trả tiền phí bảo trì cho cư dân, UBND phường Văn Quán đã lập tức có văn yêu cầu BIC Việt Nam làm đúng theo Luật nhà ở quy định. Hiện nay, chúng tôi đang báo cáo lên cấp trên và sẽ sớm có văn bản kết luận gửi đến các bên liên quan", ông Công cho hay.

Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề Công ty cổ phần BIC Việt Nam trả lại tiền bảo trì cho từng chủ sở hữu, Luật Sư Trương Thanh Đức, chủ tịch Công ty luật Basico cho biết: "Hành động của chủ đầu tư là phạm luật, cụ thể trái với Luật Nhà ở 2014 bởi luật quy định, sau khi ban quản trị được thành lập chủ đầu tư phải có trách nhiệm chuyển giao lại phí bảo trì tòa nhà cho Ban quản trị nhà chung cư".

Ông Đức dẫn chứng, tại khoản 1 Điều 108 của Luật Nhà ở 2014 quy định trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày thu kinh phí của người mua, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm mở tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để quản lý kinh phí này và thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà chung cư biết.

Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày Ban quản trị nhà chung cư được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho Ban quản trị để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của Luật này và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết; trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.

"Trong trường hợp BIC cố tình làm sai luật, chia nhỏ tiền phí bảo trì để trả cho từng hộ dân, Ban quản trị có thể đề nghị lên UBND quận để thực hiện cưỡng chế bàn giao phí bảo trì", ông Đức khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo CafeF