Chung cư mini nở rộ: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Cập nhật 10/05/2011 10:45


Một chung cư mini đường Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy. Ảnh: Anh Tuấn
Những người mua căn hộ "chung cư mini" phần lớn thuộc tầng lớp có thu nhập trung bình. Hiện giá căn hộ loại này trên dưới 25 triệu đồng/m2, dù đã tăng gấp đôi so với 2 năm trước, nhưng vẫn "đắt hàng". Đa dạng loại hình

Trong vai một khách hàng tìm mua một căn tại khu Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Tôi gọi theo số điện thoại rao trên mạng, người môi giới phát giá 1.1 tỷ đồng cho căn hộ có diện tích 64m2. Hỏi qua các trung tâm bất động sản (BĐS), được biết, hiện chung cư mini được rao bán khá nhiều. Chẳng hạn, khu "chung cư mini" nằm sau bến xe Mỹ Đình, đã được xây dựng xong, diện tích căn hộ từ 35 đến 65m2, giá 1.3 - 1.9 tỷ đồng/căn. "Ở đó, có đủ loại căn hộ, diện tích đa dạng lắm, từ 38 đến 65m2. Anh mua nhà ở đây thì đặt tiền xong là dọn vào ở được ngay" - nhân viên một văn phòng nhà đất trên đường Hoàng Quốc Việt nói.

Chung cư mini Đại Kim tại ngõ 236 phố Đại Từ (quận Hoàng Mai) gồm 6 tầng, đang được rao bán 27 triệu đồng/m2. Hoặc căn hộ chung cư mini trong ngõ đường Nguyễn Trãi, diện tích 40m2, bán gần 1.2 tỷ đồng.

Có thể thấy, thị trường nhà chung cư mini đã trở nên sôi động kể từ khi Nghị định 71/2011/NĐ-CP chính thức công nhận quyền sở hữu đối với chung cư này từ ngày 8/8/2010. Tại Hà Nội, chung cư mini tập trung nhiều nhất ở các quận nội thành như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Đống Đa… Đa phần nằm trong các ngõ ngách chật chội, hạ tầng cũ, yếu kém. Thậm chí, nhiều chủ đầu tư quá tận dụng đất xây dựng, dẫn đến các tòa nhà này không có cầu thang thoát hiểm, hệ thống phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự không bảo đảm… Tuy nhiên, loại chung cư này lại bán khá chạy do phù hợp với túi tiền của phần lớn người dân.

Cẩn trọng khi mua Vấn đề quan trọng nằm ở căn cứ pháp lý của BĐS này. Các nhà quản lý khuyên khách hàng, nếu muốn mua những chung cư loại mini nên tìm hiểu kỹ về giấy phép xây dựng, quyền sở hữu của khu nhà, các quy định về phần sử dụng chung, bộ phận quản lý, vận hành tòa nhà. Hiện giao dịch mua bán giữa chủ đầu tư và khách chỉ là hợp đồng mua bán có công chứng của chính quyền. Còn "sổ đỏ" do chủ đầu tư nắm giữ toàn bộ khu nhà. Việc tách hộ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho từng căn không được các cấp chính quyền xác nhận. Nếu có tranh chấp không biết ai sẽ là người bảo vệ người mua (?).

Chủ một chung cư mini ở Cầu Giấy thừa nhận, hợp đồng mua nhà chỉ là giấy viết tay thỏa thuận giữa bên bán và bên mua có công chứng. "Để xảy ra tranh chấp có lẽ là rất khó, bởi đa phần những người xây như chúng tôi đều ở ngay trên mảnh đất đó" - ông này nói.

Mới đây, dư luận lại xôn xao một dự án tại ngách 218/16 Trần Duy Hưng - được cho là nơi xây dựng "Chung cư mini Petromanning", được nhiều Sàn giao dịch BĐS rao bán căn hộ, với khoảng 2 tỷ đồng/căn hộ. Tuy nhiên, khu đất để xây dựng dự án lại vẫn… trống, xung quanh được quây lại bằng tôn tấm. Còn phía trong cũng có sắt thép, nhưng không thấy có dấu hiệu của việc thi công công trình. Điều đặc biệt hơn nữa khi đơn vị được cho là chủ đầu tư dự án này thông tin rằng, chưa hề bán căn hộ và dự án mới đang chuẩn bị khởi công. Đồng thời vị này còn khẳng định, công ty không làm chung cư mini.

Chưa có cuộc điều tra công bố đã có ai đã "đặt cọc" vào dự án này hay không. Nhưng, những dấu hiệu mập mờ kiểu này vẫn thường xuất hiện trên thị trường BĐS nhiều năm qua. Đại diện Cục Quản lý nhà ở (Bộ Xây dựng) khuyến cáo: Để tránh rủi ro, bản thân người mua phải tỉnh táo, chứ đừng ham rẻ rồi lao vào. Sở Xây dựng Hà Nội đang kiến nghị UBND TP, Bộ Xây dựng về quản lý chặt chung cư mini, bởi hiện nay các chung này đều không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, quy hoạch chưa phù hợp.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị