Không chỉ bị khách hàng phản ứng vì thiếu hụt diện tích căn hộ, chủ đầu tư chung cư Hateco Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) còn chậm bàn giao phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà; thậm chí còn dọa cư dân sẽ thu hồi căn hộ nếu chưa trả nốt tiền và nhận sổ đỏ.
Chung cư Hateco Hoàng Mai
|
Chậm chuyển phí bảo trì
Mặc dù đã được thành lập và đi vào hoạt động theo đúng quy định của pháp luật từ tháng 1/2018, nhưng đến thời điểm hiện tại, phía chủ đầu tư Hateco mới chuyển một phần trong gói phí bảo trì cho Ban quản trị tòa nhà. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, nhiều lần làm văn bản gửi sang phía chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội, tuy nhiên vẫn không nhận được sự hợp tác từ phía Hateco” - người trong Ban quản trị tòa nhà cho biết.
Văn bản số 17/BQT đề ngày 7/4/2018 nêu: Ban quản trị đã có Công văn số 2/CV-BQT gửi đến chủ đầu tư đề nghị phối hợp thực hiện nội dung trong công tác quản lý, vận hàng Nhà chung cư Hateco Hoàng Mai. Trong đó có việc bàn giao hồ sơ, phân khai phần diện tích chung - riêng, lập biên bản bàn giao để làm cơ sở xác định phí bảo trì và thực hiện các bước tiếp theo. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện các đề nghị của Ban quản trị.
Cũng theo văn bản trên, Ban quản trị đề nghị chủ đầu tư quan tâm, giải quyết các nội dung trên trước ngày 25/4/2018.
Đến ngày 9/6/2018, không nhận được sự hợp tác từ phía Công ty Hateco Hà Nội, Ban quản trị tòa nhà tiếp tục gửi Văn bản số 23/BQT với nội dung: Đề nghị chủ đầu tư chuyển kinh phí bảo trì của tòa nhà. Đến ngày 14/6/2018, theo Văn bản số 24, việc chuyển phí bảo trì cũng chưa được phía Công ty Cổ phần Hateco thực hiện. Cũng theo văn bản này, số tiền bảo trì của tòa nhà là hơn 20 tỷ đồng trong khi phía Ban quản trị tòa nhà mới nhận được 5 tỷ đồng.
“Cho tới thời điểm này, Ban quản trị mới nhận được 5 trong số hơn 20 tỷ đồng, tiền phí bảo trì từ phía công ty. Nếu không nhận được sự hợp tác từ phía chủ đầu tư, chúng tôi sẽ gửi đơn đến các cơ quan chức năng cần thiết” - một vị trong Ban quản trị cho biết.
Nhiều văn bản đã được phía Ban quản trị gửi phía công ty đề nghị thực hiện chuyển số tiền bảo trì của tòa nhà, tuy nhiên đến nay mới nhận được 5 trong số hơn 20 tỷ.
|
“Dọa” cắt điện, nước, thu căn hộ
Trong đơn thư mà Báo GD&TĐ nhận được, có thông báo của Công ty Cổ phần Hateco Hà Nội (đề ngày 29/8/2018) gửi khách hàng Nguyễn Văn Toản, căn hộ số B1106. Nội dung thông báo này có nêu: Hiện tại, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền trên đất của quý khách đã được cấp; đồng thời yêu cầu thanh toán nốt số tiền hơn 79 triệu đồng trước ngày 15/9/2018.
Đi kèm với nội dung trên, thông báo có “lưu ý quan trọng”: Nếu đến thời hạn trên (15/9/2018 - trích văn bản) quý khách không thanh toán đầy đủ nghĩa vụ tài chính, thông báo này được hiểu là Thư mời quý khách tới công ty để làm thanh lý hợp đồng do quý khách chậm trả quá thời gian quy định và công ty có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với quý khách. Đồng thời, công ty sẽ tiến hành cắt điện, nước và các phương tiện sinh hoạt khác cũng như đề nghị quý khách thu xếp bàn giao lại cho công ty do căn hộ đã không còn thuộc sở hữu của quý khách.
Thông báo gửi chủ căn hộ B1106 dọa cắt điện, nước và các phương tiện sinh hoạt khác cũng như thu lại căn hộ
|
Chia sẻ về sự chậm trễ chưa đóng số tiền trên, chủ căn hộ B1106 cho biết, mong muốn gia đình anh vẫn là làm rõ vấn đề diện tích bị thiếu, hụt trước khi thanh toán phần còn lại trong hợp đồng. “Sau nhiều lần chúng tôi phản ánh về việc thiếu diện tích, chủ đầu tư mới thuê một công ty đo đạc đến đo lại. Tuy nhiên, 2 lần đo thì cho 2 số liệu khác nhau. Chúng tôi đề nghị tự thuê đơn vị đo đạc độc lập thì phía công ty không đồng ý. Chúng tôi vẫn thực hiện theo đúng hợp đồng, thanh toán đúng theo quy định giữa hai bên và thực hiện theo pháp luật. Tuy nhiên, phía công ty cũng phải thực hiện đúng quy định đối với chúng tôi” - cư dân bức xúc cho biết.
“Nhiều cư dân đề nghị dừng cấp sổ nhà để làm rõ vấn đề diện tích. Khi đã làm rõ vấn đề về diện tích rồi, chúng tôi sẽ nhận sổ và đóng phần tiền còn lại. Công ty vẫn giữ sổ của chúng tôi, chứ có phải chúng tôi “bùng” tiền đâu?” - một cư dân lý giải.
DiaOcOnline.vn - Theo GDTĐ