Chung cư cũ là ‘đặc sản khó ăn’ của Hà Nội

Cập nhật 16/11/2017 09:33

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ví chung cư cũ như ‘đặc sản khó ăn' của Hà Nội do khó tìm phương án cải tạo trong giai đoạn hiện nay.

Chiều 15/11, Diễn đàn bất động sản Việt Nam lần thứ nhất có một phiên thảo luận về vấn đề cải tạo chung cư cũ. Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nêu ra một loạt những khó khăn trong vấn đề cải tạo hiện nay.

Mất 10 năm để di dời 50 hộ dân đi tạm cư

Ông Nguyễn Chí Dũng cho biết Hà Nội quan tâm việc cải tạo chung cư cũ từ lâu. Thành phố đã kiểm tra, rà soát tình hình chung cư cũ từ năm 2007 và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2007-2013, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiểm định 162 chung cư cũ. Sau năm 2014, sở cũng rà soát thêm theo ý kiến đánh giá của chuyên gia. Đến nay, thành phố đã rà soát xong 1.600 chung cư.

Riêng trong năm 2017,  có 165 tòa chung cư tại Hà Nội được rà soát qua 2 đợt. Thành phố cũng phân hạng các chung cư cũ theo mức độ cấp thiết cải tạo dần là A, B, C, D. Trong đó, có 4 chung cư cũ cấp độ D là cấp cần cải tạo khẩn cấp.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Báo Giao Thông.

Những chung cư cấp độ D tập trung ở phường Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình), thậm chí có cả chung cư được xây dựng từ thời Pháp.

Để cải tạo các chung cư này, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết Hà Nội đã bố trí nhà tạm khang trang, tiêu chuẩn cao tại khu vực Yên Hòa, vốn là khu nhà dành cho công vụ.

Thế nhưng, thành phố phải mất 10 năm để vận động được chỉ 50 hộ dân trong nhóm D đến nơi tạm cư. Số còn lại vẫn đang tiếp tục vận động.

Chỉ riêng việc vận động di dời đến nơi tạm cư đã là khó khăn, chứ chưa nói đến việc cải tạo chung cư.

Ông Dũng nhắc lại giai đoạn 2005-2015, Hà Nội mới chỉ cải tạo được 14 chung cư cũ, hiện triển khai cải tạo 5 chung cư. Còn hàng trăm chung cư cũ trên khắp địa bàn vẫn chưa tìm các tháo gỡ để cải tạo.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng vẫn khó thực hiện

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, hiện nay đã có 18 nhà đầu tư quan tâm đến việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội. Một số nhà đầu tư lớn có thể kể đến như Việt Hưng, Vingroup, Sun Group, Ecopark, HUD, Vinaconex….

Tuy nhiên, việc có nhà đầu tư thôi chưa đủ, mà còn tồn tại nhiều vấn đề để làm thế nào cải tạo được chung cư một cách hiệu quả.

Một trong những nguyên nhân gây khó khăn lớn nhất đến việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội chính là vướng phải một số quy định khống chế về chiều cao và quy mô dân số.

Theo đó, khi cải tạo chung cư cũ, Nhà nước không có tiền, nếu huy động nguồn lực doanh nghiệp thì bị khống chế về mật độ dân số. Nhà đầu tư sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để có thể cải tạo chung cư.


Hà Nội đang trình cơ chế đột phá để cải tạo chung cư cũ. Ảnh: Tiến Tuấn.

Theo quy định hiện hành, việc cải tạo yêu cầu phải giữ quy mô dân số hiện hành. Thậm chí, khu vực trung tâm Hà Nội còn được yêu cầu giảm dân số từ 1,2 triệu người xuống 0,8 triệu người.

Ông Dũng cho rằng cơ chế, chính sách đang gây khó cho việc cải tạo chung cư cũ. Ông ví chung cư cũ như “đặc sản, đặc sản cực kỳ khó khăn, ăn không ngon của Hà Nội”.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất cần điều chỉnh lại dân số, điều chỉnh lại quy hoạch, đáp ứng được việc tái định cư tại chỗ, ngoài ra còn dôi dư tài chính bù đắp cho dự án.

Ông tiết lộ UBND TP. Hà Nội đang xây dựng cơ chế riêng để cải tạo chung cư cũ. Dự kiến đầu 2018 cơ chế này sẽ xây dựng xong.

“Chúng tôi có một số nội dung đổi mới. Có một số nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ cần xin phép, như vượt khung về dân số, vượt khung về quy hoạch. Ngoài ra còn có một số thuộc thẩm quyền của các bộ ngành, của HĐND thành phố, do đó việc cải tạo sẽ cần thực hiện những bước dài", ông nói.

Ông cũng mong muốn nhận được sự thấu hiểu và đồng thuận của người dân sinh sống trong các khu dân cư này.

"Việc cải tạo chung cư cũ, Nhà nước cũng không được gì, thuế cũng không được hỗ trợ, ngân sách cũng không thu được nhiều. Nếu người dân đồng thuận thì rất nhanh nhưng không đồng thuận thì khó”, ông Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing