Chung cư cho người thu nhập thấp cũng “vỡ trận”

Cập nhật 21/12/2011 14:30

Không chỉ ế ẩm ở phân khúc chung cư cao cấp và trung bình, ngay cả phân khúc chung cư dành cho người thu nhập thấp cũng đang lâm vào tình trạng vắng như “chùa bà đanh”.

Ế ẩm

Hiện Hà Nội có một số dự án nhà thu nhập thấp đang được triển khai nhận hồ sơ mua nhà như: Đặng Xá (Gia Lâm), Đại Mỗ (Từ Liêm) và Sài Đồng (Long Biên) triển khai nhận hồ sơ xin mua nhà. Tuy nhiên, không như trước đây, các đợt mở bán thời gian gần đây đều gần như vắng hoe.

Vắng vẻ nhất có lẽ là buổi bốc thăm mua nhà thu nhập thấp lần thứ 2 tại dự án ở Khu đô thị Đặng Xá do Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng (Tổng Công ty Viglacera) làm chủ đầu tư. Chỉ có 400 hồ sơ mua nhà đăng ký trong khi số lượng căn hộ tung ra bán đợt này là hơn 700 căn và chỉ có 15 người ký hợp đồng nộp tiền.

Trước đó, trong đợt thứ nhất, chủ đầu tư cũng chỉ nhận được trên 300 hồ sơ hợp lệ, nhưng đến khi chính thức ký hợp đồng mua bán thì chỉ có khoảng 200 hồ sơ.

Như vậy, trong tổng số dự án có 946 căn của dự án Đặng Xá, chủ đầu tư phải tổ chức nhận hồ sơ và tổ chức bốc thăm tới 3 đợt nhưng cũng chưa thể khẳng định sẽ bán hết số căn hộ còn lại.

Nhà thu nhập thấp Đặng Xá

Tại đợt bốc thăm lần 2 dự án nhà thu nhập thấp Sài Đồng của Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco 3) cũng chỉ có 30 khách hàng đã chọn vị trí căn hộ. Hơn 100 căn hộ còn lại chưa có người mua.

Tương tự, dự án NTNT Sài Đồng của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 5 (Handico5) cũng chỉ có hơn 100 khách hàng đến đóng tiền trên tổng số 420 căn hộ.

Giá cao, tiến độ gấp

Một trong những lý do khiến cho nhiều khách hàng chê nhà dành cho người thu nhập thấp vì mức giá quá cao. Giá bán của các dự án chủ yếu khoảng 13 triệu đồng/m2, riêng dự án Đặng Xá (Gia Lâm) khoảng trên dưới 11 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, nếu so sánh với một số dự án nhà thương mại hiện nay, mức giá này cũng không rẻ hơn nhiều. Cụ thể, giá của chung cư Tân Việt Tower (trên đường 32, Hà Nội) cũng chỉ khoảng trên 14 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế) thì rõ ràng mức giá nhà dành cho người thu nhập thấp là khá cao.

Chị Nguyễn Hải Ngọc, một khách hàng mua nhà thu nhập thấp ở Đặng Xá (Gia Lâm) nói thẳng, nhà thu nhập thấp bán với mức giá như vậy thì vẫn quá cao, và nếu mua với mức giá như vậy, khách hàng có thể chọn nhiều nhà thương mại tốt hơn rất nhiều.

“Làm một phép tính đơn giản, nếu tôi bỏ ra gần 1 tỷ đồng để mua một căn nhà thu nhập thấp thì với số tiền đó, hiện nay tôi cũng có thể sở hữu một căn nhà thương mại giá rẻ”, chị Ngọc nói.

Mặt khác, điều khiến nhiều khách hàng phàn nàn về nhà thu nhập thấp chính là tiến độ đóng tiền khá căng thẳng.

Một ví dụ là tại dự án Đặng Xá, theo quy định trong hợp đồng mua nhà, 30% số tiền đầu tiên người dân sẽ phải nộp ngay sau khi ký hợp đồng. 50% tiếp theo sẽ phải nộp đủ trong 2 đợt tiếp theo, tức là trong vòng 5 tháng sau. Như vậy, theo tiến độ này thì chỉ trong vòng 5 tháng người dân đã phải hoàn tất đến 80% tổng số tiền mua căn hộ cho chủ đầu tư.

Với giá thành 11 triệu đồng/m2, với căn hộ 60m2, người mua sẽ phải nộp gần 700 triệu đồng/căn. Và như vậy, trong vòng 5 tháng, khách hàng sẽ phải trả 80% hợp đồng, tức là trên dưới 500 triệu đồng.

“500 triệu đồng là số tiền không nhỏ đối với những người có thu nhập thấp, nhất là phải huy động trong vòng 5 tháng. Nếu chủ đầu tư có thể giãn tiến độ đóng tiền thì chắc sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều cho khách hàng”, anh Tâm, một người mua nhà cho biết.

Bên cạnh đó, thủ tục mua nhà cũng khá lằng nhằng, người mua muốn được tham gia bốc thăm thì phải có đủ số điểm. Nếu như tại các dự án nhà thu nhập thấp đã bán trước đây thì hồ sơ phải đạt 90 điểm, còn hiện nay một số dự án chỉ yêu cầu 70 điểm, nhưng vẫn không đủ hồ sơ mua.

Ngoài ra, khách hàng mua nhà thu nhập thấp cũng bị ràng buộc bởi những điều kiện, yêu cầu phức tạp về sở hữu, thời gian chuyển nhượng, xét duyệt...

Vẫn còn nhiều bế tắc

Theo ông Bùi Đức Long, Tổng giám đốc Cty cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland, dù đã có quyết định 67 của Thủ tướng Chính phủ quy định những chính sách hỗ trợ cho nhà thu nhập thấp, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn.

“Vì chỉ có việc giao đất không tính tiền, thì doanh nghiệp cũng không tính tiền đất vào giá thành, nên chuyện đó là chuyện đương nhiên, chứ không phải là ưu đãi. Còn chính sách thuế, hỗ trỡ lãi vay, phê duyệt danh sách vẫn rất vướng”, ông Long chia sẻ.

Cũng theo ông Long, lúc công bố quyết định 67, có gần 300 doanh nghiệp đăng ký làm nhà ở xã hội với 370 dự án. Nhưng đến giờ, mới chỉ có hơn 30 dự án khởi công và một vài dự án hoàn thành, tức là có khoảng 1.700 căn hộ đựơc tung ra thị trường. Như vậy so với con số đăng ký và nhiều người kỳ vọng thì vẫn còn rất nhỏ, còn rất nhiều khó khăn.

Còn ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội khi chia sẻ với báo chí cũng thừa nhận rằng, chính sách nhà thu nhập thấp của Chính phủ mới có miễn thuế VAT, hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng và miễn giảm tiền đất.

Tuy nhiên, việc miễn giảm thuế chỉ được thực hiện trong năm 2009 trong khi các dự án nhà thu nhập thấp hầu hết khởi công trong năm 2010. Vay vốn của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thì chỉ có duy nhất dự án Đặng Xá được vay nhưng tới nay giải ngân rất ít. Các dự án khác chỉ được miễn giảm tiền đất nhưng tiền đất phân bố trong nhà cao tầng lại không đáng kể.

DiaOcOnline.vn - Theo VTC News