Chung cư cao tầng: Bất cập an toàn cháy nổ

Cập nhật 19/10/2015 14:02

Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC) quy định về PCCC đối với chung cư cao tầng rất nghiêm ngặt. Theo đó, chủ đầu tư và đơn vị quản lý chung cư phải tuân thủ nghiêm những quy định về PCCC trong quá trình xây dựng cũng như khi chung cư được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư cũng như ban quản lý chung cư tại TPHCM hầu như không quan tâm vấn đề này, thậm chí hệ thống PCCC sau khi được nghiệm thu cũng không được ai ngó tới.

Mối lo tiềm ẩn

Chung cư Sơn Kỳ (quận Tân Phú) được đưa vào sử dụng hơn 15 năm nay, đây là chung cư thấp tầng nên không có thang máy. Anh Bình, đại diện Ban quản lý chung cư kiêm dịch vụ giữ xe ở đây, cho biết hệ thống PCCC tại đây được kiểm tra định kỳ, từ ngày đưa vào sử dụng chưa có sự cố nào xảy ra.

Tuy nhiên Ban quản lý chung cư vẫn chưa yên tâm nên trích tiền mua thêm một số bình chữa cháy tự động gắn trên trần tầng hầm giữ xe. Theo anh Bình khi nhiệt độ bên trong hầm để xe cao bất thường, các bình chữa cháy này sẽ tự động xịt khí chống cháy. Mặc dù vậy, khi quan sát những hộp trụ chống cháy gắn bên ngoài hành lang chung cư, sẽ dễ dàng nhận thấy một số hộp bị mất nắp bảo vệ.

Vấn đề hỏa hoạn, cháy nổ ảnh hưởng tới các tòa nhà cao tầng hay an nguy của người dân cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Có nhiều nguy cơ từ nhà cao tầng, trong đó hỏa hoạn là một trong những nguy cơ tiềm ẩn. Để PCCC hiệu quả cần có sự phối hợp từ nhiều phía và thường xuyên, không thể lơ là được.

Ông LÊ QUỐC TUẤN, Sở Xây dựng TPHCM
 

Tại một số chung cư mới xây dựng gần đây, công tác PCCC cũng chưa được coi trọng. Cụ thể, chung cư 17 tầng Sacomreal 584 (quận Tân Phú) do CTCP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 làm chủ đầu tư, hệ thống PCCC hầu như không hoạt động.

Theo ghi nhận của ĐTTC, dưới tầng hầm dù có hàng trăm xe gắn máy và ô tô nhưng nhân viên trông giữ xe vẫn vô tư phì phèo hút thuốc lá, bất chấp  nguy hiểm rình rập. Đặc biệt các bình PCCC đã hết hạn vẫn không được thay mới, hệ thống máy bơm dầu dự phòng phục vụ công tác PCCC cũng không hoạt động.

Bà Võ Thị Hồng Nga, Phó ban Quản trị chung cư 584, cho biết: “Từ ngày 1-4-2014, khi nhận bàn giao từ chủ đầu tư, hệ thống PCCC tòa nhà đã bị tê liệt. Dù Ban Quản trị đã đề nghị chủ đầu tư khắc phục trước khi bàn giao, song họ vẫn phớt lờ. Chúng tôi đã báo với Sở Cảnh sát PCCC TP nhưng đến nay các tồn tại này vẫn chưa được khắc phục, khiến khoảng 400 hộ dân sinh sống tại chung cư luôn phập phồng nỗi lo hỏa hoạn”.

Trong đợt kiểm tra các chung cư cao tầng gần đây, lực lượng kiểm tra PCCC TPHCM đã phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng về PCCC. Cụ thể, qua kiểm tra 22 chung cư trên địa bàn quận 11, một số chung cư sử dụng tầng trệt làm nơi giữ xe máy gần khu vực bố trí cầu thang bộ, làm ảnh hưởng đến khả năng thoát hiểm khi xảy ra cháy.

Tại một số chung cư, bình chữa cháy bố trí chưa đúng khoảng cách, không được bảo dưỡng thường xuyên; đèn chiếu sáng gặp sự cố hư hỏng, lối thoát hiểm bị lấn chiếm...

Hay chung cư cao tầng trên đường Hòa Hảo (quận 10), hệ thống PCCC không bảo đảm an toàn khi nhiều bình chữa cháy nằm trong góc sâu của các tầng lầu. Giả sử xảy ra cháy, việc lấy các bình chữa cháy này sẽ mất nhiều thời gian. Đã vậy, các bình này không được bảo trì định kỳ, nhiều bình đã hư hỏng, không sử dụng được.

Chị Hoài, người dân sống trong chung cư này, cho biết hầu như cư dân ở đây không hề biết sử dụng thiết bị chữa cháy như thế nào. Tại tòa nhà văn phòng trên đường Lê Quang Định (quận Gò Vấp), dù đã được trang bị các bình bọt cứu hỏa nhưng hầu hết các bình này đã hết thời hạn sử dụng. Theo nhân viên tòa nhà, các bình chữa cháy này chưa được thay thế kể từ khi được chủ đầu tư trang bị. Chủ đầu tư cũng không kiểm tra, bảo dưỡng và nạp bọt mới cho các bình này, vòi nước cứu hộ tại chỗ cũng không hoạt động được.

Một lo ngại nữa là các tòa nhà cao tầng hiện nay thường ít chú ý đến hệ thống thông gió, hút khói, cửa thoát hiểm luôn bị khóa, nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ khiến người dân gặp khó khăn khi thoát ra ngoài. Thậm chí, nhiều chung cư cao tầng không có hệ thống máy tăng áp ở cầu thang. Đây là những thiết bị giữ cho khói và khí độc cách xa lối thoát hiểm, giúp người trong vùng cháy đó có thể thoát hiểm hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Cần sự phối hợp nhiều phía

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành, cho biết theo quy định hiện hành, tại các tòa nhà cao tầng tối đa 2.600m2 sàn phải thiết kế “vách ngăn nước”. Khi sự cố cháy xảy ra, hệ thống này sẽ tự động phun nước tạo thành “bức tường nước” để khoanh vùng cháy, ngăn cháy lây lan. Theo ông Đực, thực tế nhiều vụ cháy khi lực lượng PCCC chuyên nghiệp đến nơi, hậu quả do cháy gây ra đã rất nghiêm trọng.

Điều này cho thấy lực lượng chữa cháy tại chỗ rất cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên lâu nay ít chủ đầu tư hay quản lý chung cư cao tầng quan tâm đến vấn đề này. Trong khi đó, lực lượng PCCC tại các chung cư ít khi được tập huấn; các thiết bị PCCC không được kiểm tra thường xuyên hoặc kiểm tra lấy lệ nên khi sự cố xảy ra không ứng phó kịp.
 

Một góc chung cư CT4A Xa La, Hà Nội sau vụ cháy  ngày 11-10.

Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland, cho biết nhà cao tầng nói chung và chung cư nói riêng, khi được phê duyệt đều phải tuân thủ hàng loạt tiêu chuẩn về an toàn và đã tính trước mọi khả năng PCCC trong nhiều tình huống.

Theo đó, hệ thống thông gió, thông khói, bình chữa cháy, lối thoát hiểm... đều phải được tính từ khâu dự án xây dựng nhà cao tầng, mọi trường hợp không đáp ứng được những điều kiện trên, dự án đó sẽ không được phê duyệt.

Tuy nhiên đó là quy định chung, chỉ những chủ đầu tư coi trọng sản phẩm của mình mới quan tâm đến khâu thiết kế, kiến trúc tính toán làm thế nào để khi sự cố xảy ra người gặp nạn dễ dàng thoát ra bên ngoài... Ngoài ra các thiết bị trong tòa nhà cũng đều được tính toán kỹ lưỡng để khi sự cố cháy nổ xảy ra sẽ hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư