Hàng trăm người mua nhà đang bất lực đứng nhìn những dự án chung cư cao cấp mà mình đặt mua “chết lâm sàng”, còn chủ đầu tư vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nợ nần. Thảm cảnh này chưa biết khi nào kết thúc, người mua vẫn đau đáu chờ được nhận nhà.
Chung cư cao cấp: Quảng cáo thăng hoa, nhận nhà vỡ mộng
Bảy năm kể từ khi khởi công, đa phần các tòa nhà của Usilk City vẫn chỉ dừng lại ở những cột bê tông, sắt thép hoen gỉ, những đống phế liệu ngổn ngang. Gần 10ha dự án hoang vắng, mặc cho cỏ dại mọc đầy. Dự án này có quy mô 13 tòa nhà cao từ 25-50 tầng, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ.
Theo kết luận của Sở Xây dựng Hà Nội, các tòa 101, 102, 103 cụm CT1 đến ngày 30/12/2015 vẫn chưa thi công đủ điều kiện để đưa vào bàn giao; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cảnh quan sân vườn khu vực tại các tòa nhà này chưa đấu nối đồng bộ; các tòa 106, 107, 108, 109 vẫn không có hoạt động đầu tư. UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện đối với dự án Usilk City – Khu đô thị Văn Khê mở rộng.
Trong một thời gian dài, khách hàng mua nhà đã phải trải qua một hành trình gian khổ để đòi nhà, từ đâm đơn kiến nghị, gặp mặt chủ đầu tư đến hội nghị khách hàng và nhiều phương án “giải cứu”.
Usilk City của Sông Đà Thăng Long
|
Bản thân Sông Đà Thăng Long cũng không ít lần muốn tái khởi động, tìm lối thoát cho chính mình. Nhưng đến nay, dự án vẫn gần như bế tắc.
Thảm cảnh như Usilk City là PetroVietnam Landmark (TP.HCM). Việc trễ hạn giao nhà gần 5 năm của chủ đầu tư đã đẩy gần 400 người dân vào cảnh khó khăn, “sống dở chết dở”. Hiện, dự án đã xong phần thô, các công việc dở dang còn lại là hoàn thiện trong nhà, lắp đặt thiết bị điện, nước, hệ thống thang máy, phòng cháy chữa cháy, hạ tầng ngoài nhà, tầng hầm.
Trong năm 2015, hàng trăm khách hàng đã nhiều lần kéo đến trụ sở Công ty PVC Land và công trường dự án PetroVietnam Landmark để yêu cầu chủ đầu tư bàn giao căn hộ nhưng không thể thực hiện được.
Chờ nhà trong vô vọng
Thời điểm năm 2009, Tricon Towers được biết tới là một trong những dự án hành tráng tại khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Được quảng cáo rầm rộ với ba tòa chung cư cao cấp 40 tầng hiện đại, vào thời điểm mở bán, mỗi căn hộ tại Dự án Tricon Tower Hoài Đức có giá khoảng 6 tỷ đồng. Theo hợp đồng mua bán, thời gian bàn giao nhà chậm nhất là tháng 6/2012.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, hiện trạng dự án vẫn chỉ là xong phần móng. Hàng trăm người tìm mọi cách để chủ đầu tư trả lại tiền, song đều không được giải quyết ổn thỏa. Khả năng đòi tiền, đòi nhà của khách hàng mua căn hộ tại Tricon Tower gần như đã chấm hết, khi người đại diện chủ đầu tư là ông Edward Chi, mang quốc tịch Mỹ, đã không còn ở Việt Nam từ vài năm nay.
Cám cảnh không kém là dự án Sky Garden Towers tại Định Công (Hoảng Mai, Hà Nội). Là dự án tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ, Sky Garden do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư, được khởi động từ cuối 2011.
Dự án dang dở, chủ đầu tư bỏ trốn
|
Đến giữa năm 2013, dự án ngừng thi công, trong khi khách hàng không thể tiếp cận được chủ đầu tư để tìm hiểu lý do dự án tạm dừng. Sau quá nhiều lần trì hoãn, nhân viên công ty mới cho khách hàng biết rằng Giám đốc Hồ Anh Thái đã không thấy xuất hiện từ tháng 10/2013. Đến thời điểm đó, chủ đầu tư đã huy động được khoảng trên 400 tỷ đồng từ khách hàng.
Được khởi công xây dựng từ đầu 2011, dự án Vĩnh Hưng Dominium của Vina Megastar vẫn là bãi đất trống, cây cối cỏ dại mọc um tùm. Vinhhung Dominium tọa lạc trên khu đất rộng hơn 1,2 ha, gồm tổ hợp 2 công trình có chức năng thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng (25 tầng và 35 tầng) và 1 khu nhà thấp tầng nằm giữa 2 toà nhà. Công trình có tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng
Một dự án tai tiếng khác của Vina Megastar là Hesco Văn Quán có tên gọi đầy đủ là trung tâm thương mại – chung cư cao tầng Hesco – Megastar do Megastar và Công ty cổ phần Thiết bị thủy làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công từ năm 2009 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2012.
Theo thiết kế, dự án Hesco Văn Quán sẽ bao gồm 1 toà tháp đôi 50 tầng và toà nhà 45 tầng với tổng diện tích 2,1ha, trong đó, diện tích xây dựng các công trình công cộng và diện tích dành cho giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, bãi đỗ xe chiếm đến gần 1,1ha.
Sau khi ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Vina Megastar bị bắt vào năm 2013 về hành vi lừa đảo và chiếm đoạt tài sản, cho đến nay, 2 dự án đó của Vina Megastar gần như vẫn dậm chân tại chỗ.
Hàng loạt các dự án không còn hứa hẹn ngày về đích là một bài học trả giá đắt của người mua nhà. Đã đến lúc dự án không còn là câu chuyện của riêng gì người dân hay của chủ đầu tư mà cần chủ nợ, tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đầu tư khác và cả chính quyền cùng vào cuộc để có thể giải quyết đến tận cùng các vướng mắc, bế tắc của các dự án này.
DiaOcOnline.vn - Theo Vef