Chứng chỉ môi giới BĐS: Giúp thị trường tốt hơn?

Cập nhật 22/02/2016 09:59

Ngày 16-2-2016, Thông tư 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS và hướng dẫn bồi dưỡng, đào tạo kiến thức hành nghề môi giới địa ốc, điều hành sàn giao dịch BĐS… có hiệu lực. Thông tư 11 được kỳ vọng góp phần nâng cao tính hiệu quả các sàn giao dịch BĐS, đặc biệt khẳng định tính minh bạch, chuyên nghiệp của nghề môi giới BĐS đối với sự phát triển chung của thị trường.

Vẫn còn hình thức

Theo quy định tại Thông tư 11, nội dung thi và đề thi để cấp chứng  chỉ  hành nghề môi giới BĐS bao gồm 2 phần. Phần kiến thức cơ sở: pháp luật liên quan đến kinh doanh BĐS; thị trường BĐS; đầu tư BĐS; phòng chống rửa tiền trong kinh doanh BĐS. Phần kiến thức chuyên môn: tổng quan về dịch vụ môi giới BĐS; quy trình và kỹ năng môi giới; giải quyết tình huống thực tế. Tuy nhiên, theo ông Dương Long Thành, Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Thắng Lợi, thời lượng đào tạo cho học viên quá ít, nhiều kiến thức chưa sát hoặc không cần thiết cho công việc thực tế. Do đó việc cấp chứng chỉ còn mang tính hình thức nên công ty vẫn phải đào tạo lại cho nhân viên những kỹ năng cần thiết. Hiện nay CTCP Địa ốc Thắng Lợi có khoảng 200 nhân viên, trong đó có khoảng 40 người đã được cấp chứng chỉ, số còn lại sẽ được đưa đi học để được cấp chứng chỉ theo quy định. Công ty sẽ lên kế hoạch liên kết với các trung tâm có chức năng đào tạo để bồi dưỡng thêm kiến thức cần thiết cho nhân viên.

Tìm hiểu tại một số sàn giao dịch BĐS trên địa bàn TPHCM, ĐTTC nhận thấy hầu hết nhân viên môi giới nhà đất rất ít quan tâm tới quy định về chứng chỉ hành nghề. Một nhân viên có nhiều năm kinh nghiệm bán BĐS tại sàn giao dịch trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, cho biết do đơn vị chưa đặt ra yêu cầu này nên cũng không cần phải đi học để lấy chứng chỉ môi giới BĐS. Trong khi đó ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty BĐS Việt An Hòa, cho rằng mục đích cấp chứng chỉ cho người hành nghề môi giới là hướng đến thị trường chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Nhưng khi thị trường chưa minh bạch, hoặc chủ đầu tư không minh bạch về sản phẩm của mình, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm môi giới sẽ không đạt mục đích đề ra. Có ý kiến cho rằng cũng không loại trừ việc cấp chứng chỉ hành nghề là lý do để nhiều tổ chức mở lớp đào tạo kiếm tiền. Nhiều công ty BĐS có tới hàng trăm nhân viên môi giới cũng không tỏ ra quan tâm với thông tư này, mà chỉ chú ý tới quy định về điều kiện thành lập sàn giao dịch cần phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới. Vì thế, việc đảm bảo tất cả nhân viên phải có chứng chỉ môi giới chỉ dừng ở mức định hướng.

Cần chuyên nghiệp từ nhiều phía

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, cho rằng khi làm nghề môi giới không phải nhân viên nào cũng được đào tạo những kiến thức cần thiết về BĐS. Họ học từ nhiều trường khác nhau, trong đó có cả những ngành học chẳng liên quan gì đến BĐS. Vì thế, nếu không trang bị kiến thức cơ bản về lĩnh vực mình sẽ làm, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc, thậm chí làm sai quy định. Theo ông Thanh, được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề là cần thiết, giúp chấn chỉnh tình trạng bát nháo, nhà đất bị lũng đoạn, thổi giá của hoạt động môi giới BĐS hiện nay. Trong quá trình làm việc mỗi nhân viên sẽ tự trang bị thêm cho mình những kinh nghiệm từ thực tế. Bởi lẽ hiện nay, nhiều trường hợp người mua nhà tiền mất tật mang, hoặc nhẹ hơn mua những sản phẩm không đúng như mong muốn, hay giải pháp tài chính không phù hợp… là do nhân viên môi giới không nắm rõ luật, quy định liên quan đến dự án. Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn  là doanh nghiệp hiếm hoi có chế độ hỗ trợ cho nhân viên đi học để lấy chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, nhằm giảm thiểu những rủi ro trên. Con số gần 2/3 nhân viên của doanh nghiệp có chứng chỉ hành nghề được coi là tỷ lệ tương đối cao so với những doanh nghiệp khác.

Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM Lê Hoàng Châu cho rằng quy định nhân viên hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ không phải mới, song nội dung Thông tư 11 có tính ràng buộc hơn về công tác cấp chứng chỉ, như phải được học kiến thức liên quan, quy định cụ thể hơn về việc cấp, rút chứng chỉ. Điều này giúp kiểm soát tốt hơn việc các sàn giao dịch BĐS lập chui, đồng thời tránh tình trạng nhân viên bán hàng, tư vấn BĐS lại không có kiến thức về BĐS.


Tư vấn cho khách hàng tại 1 dự án căn hộ.

Nhiều nước quản lý môi giới BĐS rất chặt, không có chuyện môi giới ăn 2 đầu của cả người bán và người mua như ở nước ta. Với những quy định mới của Thông tư 11, chúng ta sẽ siết lại, để ai đủ điều kiện thì tiếp tục môi giới và loại bỏ những đối tượng không phù hợp. Tuy nhiên, ông Châu kiến nghị Bộ Xây dựng cần xem xét, nâng tỷ lệ người có chứng chỉ hành nghề tại 1 sàn giao dịch, bởi nếu chỉ quy định 2 người là quá ít.

Thời gian qua, các nhân viên môi giới và sàn giao dịch đã góp phần tích cực trong việc đưa thị trường BĐS nóng trở lại. Tuy nhiên, một số nhà phân phối đã quảng bá rầm rộ, thổi phồng quá mức nhiều dự án. Nhiều khách hàng không tỉnh táo đã mua dự án với giá cao hơn những dự án khác có cùng vị trí. Theo nhiều chuyên gia, có chứng chỉ hành nghề hay không không quan trọng, bởi theo quy luật của thị trường có cầu ắt có cung, vấn đề là cá nhân đó phải làm việc tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật cũng như tôn trọng đạo đức nghề nghiệp mới có thể tồn tại và được xã hội chấp nhận. Chưa có cơ sở để khẳng định hiệu quả của Thông tư 11 trong việc quản lý tình trạng bát nháo hiện nay của các sàn giao dịch BĐS, bởi thời gian qua tình trạng 1 căn hộ bán cho nhiều khách hàng vẫn diễn ra thường xuyên, trong khi chưa đơn vị môi giới BĐS nào đứng ra nhận trách nhiệm.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn đầu tư